Các mô hình nến tiếp diễn xu hướng tăng, giảm và những lưu ý khi sử dụng mô hình nến tiếp tục xu hướng
Có thể nói thì mô hình nến tiếp diễn là một trong những dạng mô hình cực kỳ phổ biến, xuất hiện trên biểu đồ giá với những tín hiệu cực kỳ mạnh mẽ và hiệu quả. Nếu là một nhà giao dịch đầu tư chuyên nghiệp thì bạn không nên bỏ qua dạng mô hình nến tiếp diễn này. Cùng ISG tìm hiểu chi tiết về dạng mô hình nến này cũng như đưa ra những đánh giá chi tiết về các mô hình nến tiếp diễn hiện nay qua bài viết này nhé.
Mô hình nến tiếp diễn là gì?
Trong một xu hướng tăng hoặc giảm của thị trường, đôi lúc sẽ xuất hiện những cây nến hình thành nên các mô hình đặc trưng, báo hiệu rằng xu hướng có thể tiếp tục hoặc đảo chiều.
Đối với các mô hình nến đảo chiều, nó báo hiệu rằng xu hướng hiện tại đang đi đến hồi kết, và giá có thể sẽ di chuyển theo hướng ngược lại. Các nhà giao dịch có thể dựa vào đó để có cho mình những tín hiệu vào lệnh ở vùng giá tốt nhất.
Ngược lại, mô hình nến tiếp diễn là tập hợp các cây nến tạo thành những mô hình điển hình, thường xuất hiện ở giữa xu hướng, là tín hiệu cho nhà đầu tư biết rõ rằng xu hướng giá trên thị trường đã xảy ra và báo hiệu rằng xu hướng có thể sẽ còn tiếp tục được kéo dài. Khi các mô hình nến này xuất hiện, các nhà giao dịch có thể nắm bắt lấy cơ hội vào lệnh thuận theo xu hướng với độ an toàn là khá cao.
Trong thực tế có rất nhiều mô hình nến báo hiệu cho sự tiếp tục của xu hướng, bao gồm tiếp diễn xu hướng tăng và tiếp diễn xu hướng giảm. Trong bài viết này, ISG sẽ tập trung phân tích những mô hình nến tiếp diễn phổ biến nhất và có thể đem lại hiệu quả giao dịch tốt nhất cho các nhà đầu tư.
Các mô hình nến tiếp diễn xu hướng tăng
- Mô hình Rising Three Methods
Rising Three Methods là mô hình nến tiếp diễn xu hướng tăng, báo hiệu rằng lực tăng của thị trường vẫn còn tiếp diễn. Mô hình này bao gồm ít nhất 4 cây nến, có cấu tạo và ý nghĩa như sau:
Cấu tạo
Cây nến đầu tiên là một cây nến tăng với thân nến tương đối lớn.
3 cây nến tiếp theo (đôi khi có thể là 4) là các cây nến giảm nhẹ với thân nến ngắn và nằm gọn trong thân của cây nến đầu tiên.
Cây nến cuối cùng của mô hình là một cây nến tăng mạnh, có thân nến dài và kết thúc ở giá cao hơn so với giá đóng của cây nến đầu tiên.
Ý nghĩa
Cây nến đầu tiên cho thấy phe mua đang tương đối mạnh mẽ và chiếm ưu thế.
Các cây nến giảm ở giữa thể hiện rằng phe mua đang dần chốt lời, đồng thời phe bán cố gắng lấy lại ưu thế nhưng họ không thể thắng được lực mua còn rất mạnh, từ đó hình thành nên các cây nến giảm có thân khá nhỏ.
Cây nến cuối cùng là nến tăng có thân lớn, phản ánh việc phe mua đã tiếp tục vào cuộc và giành lại hoàn toàn quyền kiểm soát thị trường, tiếp tục đẩy giá lên cao hơn nữa.
Áp dụng
Khi cây nến cuối cùng của mô hình đóng lại, anh em có thể mở một lệnh mua ở giá mở cửa của cây nến tiếp theo và kỳ vọng vào đà tăng tiếp diễn của thị trường.
Stop Loss anh em có thể đặt ở dưới râu nến thấp nhất của cụm nến, và Take Profit theo tỉ lệ R:R, hoặc đặt mục tiêu ở các khu vực kháng cự gần nhất
- Separating Lines tiếp diễn xu hướng tăng
Đây là một mô hình khá hiếm gặp, nhưng mỗi khi xuất hiện có thể trở thành một tín hiệu đáng tin cậy cho thấy giá sẽ tiếp tục di chuyển theo xu hướng hiện tại.
Separating Lines xuất hiện cả trong xu hướng tăng và xu hướng giảm. Trong mỗi trường hợp mô hình này có đặc điểm và ý nghĩa trái ngược nhau. Một mô hình nến Separating Lines tiếp diễn xu hướng tăng cần phải xuất hiện trong xu hướng tăng và có những đặc điểm sau đây:
Cấu tạo: gồm một cây nến giảm phía trước, sau đó là một cây nến tăng có giá mở cửa bằng với giá mở cửa của cây nến giảm trước đó.
Ý nghĩa: Trong xu hướng tăng xuất hiện một cây nến giảm điều chỉnh, tuy nhiên ngay sau đó là một cây nến xanh mạnh, với giá mở cửa không bị ảnh hưởng bởi sự giảm giá của cây nến trước đó.
Áp dụng: Khẳng định lực tăng vẫn còn tiếp diễn. Cơ hội mở lệnh mua ngay sau khi cây nến thứ hai đóng cửa, kỳ vọng giá tiếp tục tăng mạnh. Anh em có thể đặt Stop Loss ở dưới râu nến của cây nến đầu tiên, và đặt mục tiêu theo tỷ lệ R:R hoặc kháng cự gần nhất.
- Bullish Side by Side White Lines
Giống như Separating Lines, đây cũng là một mô hình nến tiếp diễn xu hướng khá ít gặp, nhưng có độ tin cậy cao và có thể là một tín hiệu giao dịch tốt.
Cấu tạo
Xuất hiện trong xu hướng tăng
Cây nến đầu tiên là một cây nến tăng
Nến thứ hai là cây nến tăng, thân thường nhỏ hơn cây nến đầu và có giá mở cửa cao hơn giá đóng cửa của cây nến trước đó
Nến thứ ba là cây nến tăng, giá mở cửa và giá đóng cửa gần như song song với cây nến thứ hai
Ý nghĩa
Nến đầu tiên là cây nến xanh, thường có thân khá dài, khẳng định xu hướng đang tiếp diễn
Hai cây nến tiếp theo có thân ngắn cho thấy lực mua đang chững lại, tuy nhiên chúng có giá mở cửa cao hơn giá đóng cửa của cây nến đầu chứng tỏ lực mua vẫn còn mạnh, có thể đẩy giá lên cao.
Áp dụng
Mô hình nến thể hiện đà tăng vẫn đang tiếp diễn. Anh em có thể mở một lệnh mua tại giá đóng cửa của cây nến thứ ba và kỳ vọng giá tiếp tục tăng. Stop Loss có thể được đặt ngay dưới râu nến của cây nến đầu tiên, Take Profit tùy theo mục tiêu hoặc chiến lược của anh em.
- Mô hình Three Line Strike tiếp tục xu hướng tăng
Three Line Strike cũng là một loại mô hình có thể xuất hiện cả trong xu hướng tăng và xu hướng giảm. Trong xu hướng tăng, chúng có các đặc điểm như sau:
Cấu tạo
Three Line Strike tiếp diễn xu hướng tăng bao gồm bốn thân nến. Ba cây nến đầu là ba cây nến tăng đều (thân nến sau cao hơn thân nến trước). Cây nến cuối cùng là một cây nến giảm có thân dài, cây nến này nhấn chìm toàn bộ phần thân của ba cây nến trước đó.
Ý nghĩa
Mô hình nến này thực tế gây khá nhiều tranh cãi. Dù được đánh giá như một mô hình nến tiếp diễn xu hướng, nhưng hai cây nến cuối cùng lại tạo thành mô hình nến đảo chiều khá phổ biến Engulfing Line. Do đó, việc giao dịch theo xu hướng với mô hình này cần được kết hợp cùng các công cụ và chỉ báo khác để có được nhận định chắc chắn rằng thị trường sẽ đảo chiều hay sẽ tiếp tục xu hướng.
- Mô hình Deliberation
Cấu tạo
Deliberation xuất hiện trong xu hướng tăng, gồm ba cây nến xanh.
Cây nến đầu tiên thường có thân khá dài, thể hiện lực tăng rõ rệt.
Cây nến thứ hai có giá mở cửa cao hơn giá mở cửa của cây nến đầu, nhưng thường thấp hơn giá đóng cửa của nó.
Cây nến thứ ba có giá mở cửa cao hơn hoặc bằng giá đóng cửa của nến thứ hai, và có thân nến ngắn hơn so với hai cây nến đầu.
Ý nghĩa
Trong một xu hướng tăng giá, sự xuất hiện của các cây nến xanh liên tiếp thể hiện rằng lực mua vẫn còn tiếp diễn, do đó có thể giá sẽ tiếp tục tăng cao hơn.
Tuy nhiên, ngoài vai trò là mô hình nến tiếp diễn xu hướng tăng, mô hình này đôi khi cũng hoạt động như một mô hình nến đảo chiều. Cây nến thứ ba có thân nến ngắn cho thấy lực mua dù còn nhưng đang yếu dần, từ đó phe bán rất có thể chiếm lại được ưu thế của mình khiến giá đảo chiều.
Việc sử dụng mô hình này cần có thêm sự xác nhận của các công cụ hay chỉ báo khác để có được tín hiệu chính xác nhất.
Các mô hình nến tiếp diễn xu hướng giảm
- Falling Three Methods
Là mô hình ngược lại so với mô hình Rising Three Methods, Falling Three Methods xuất hiện trong một xu hướng giảm và báo hiệu rằng giá sẽ còn tiếp tục giảm.
Cấu tạo
Cây nến đầu tiên là một cây nến giảm với thân nến tương đối lớn.
3 đến 4 cây nến ở giữa là các cây nến tăng nhẹ với thân nến ngắn và nằm gọn trong thân của cây nến đầu tiên.
Cây nến cuối cùng là một cây nến giảm mạnh, có thân nến dài và kết thúc ở giá thấp hơn so với giá đóng của cây nến đầu tiên.
Ý nghĩa
Cây nến đầu tiên cho thấy ưu thế đang thuộc về phe bán.
Các cây nến tăng tiếp theo thể hiện sự cố gắng chiếm lại ưu thế của phe mua, đồng thời cũng có một số nhà giao dịch bên phe bán chốt lời tại đây. Tuy nhiên lực mua là không đủ để thắng lại phe bán đang rất mạnh mẽ.
Cây nến cuối cùng xuất hiện là lúc phe bán lấy lại ưu thế của mình, hoàn toàn nhấn chìm phe mua và đẩy giá xuống thấp hơn nữa.
Áp dụng
Anh em có thể mở một lệnh bán ngay sau khi cây nến cuối cùng đóng cửa, kỳ vọng giá tiếp tục giảm sâu. Stop Loss có thể được đặt ngay trên râu nến cao nhất trong cụm nến, và anh em có thể kỳ vọng Take Profit theo tỷ lệ R:R hoặc đặt mục tiêu ở mức hỗ trợ gần nhất.
- Separating Lines tiếp tục xu hướng giảm
Đây là mẫu nến ngược lại với mô hình Separating Lines tiếp tục xu hướng tăng phía trên, chúng xuất hiện trong xu hướng giảm và có các đặc điểm sau đây:
Cấu tạo: gồm một cây nến tăng phía trước, sau đó là một cây nến giảm có giá mở cửa bằng với giá mở cửa của cây nến tăng trước đó, và đóng cửa thấp hơn các cây nến phía trước.
Ý nghĩa: Trong xu hướng giảm xuất hiện một cây nến tăng điều chỉnh, tuy nhiên ngay sau đó là một cây nến giảm mạnh, với giá mở cửa không bị ảnh hưởng bởi sự tăng giá của cây nến trước đó.
Áp dụng: Khẳng định xu hướng giảm vẫn còn tiếp diễn. Cơ hội mở lệnh bán ngay tại giá đóng cửa của cây nến thứ hai, kỳ vọng giá tiếp tục giảm sâu. Anh em có thể đặt Stop Loss ngay trên râu nến của cây nến thứ nhất, và Take Profit tùy theo chiến lược.
- Bearish Side by Side White Lines
Mẫu nến tiếp tục xu hướng giảm thứ 3 này là mô hình nến ngược lại so với Bullish Side By Side White Lines, có cấu tạo và cách sử dụng ngược lại so với mô hình này:
Cấu tạo
Xuất hiện trong xu hướng giảm
Cây nến đầu tiên là một cây nến giảm
Nến thứ hai là cây nến tăng, thân nhỏ hơn cây nến đầu và có giá đóng cửa thấp hơn giá đóng cửa của cây nến trước đó
Nến thứ ba là cây nến tăng, giá mở cửa và giá đóng cửa gần như song song với cây nến thứ hai
Ý nghĩa
Nến đầu tiên là cây nến đỏ, thường có thân khá dài, khẳng định đà giảm đang tiếp diễn
Hai cây nến tiếp theo là nến tăng cho thấy phe mua đang cố chiếm lại ưu thế, tuy nhiên chúng có giá đóng cửa thấp hơn giá đóng cửa của cây nến đầu chứng tỏ lực bán vẫn còn mạnh nên giá không thể bật tăng trở lại.
Áp dụng
Đây là mô hình nến tiếp diễn xu hướng giảm. Anh em có thể mở một lệnh bán tại giá đóng cửa của cây nến thứ ba và kỳ vọng giá tiếp tục giảm xuống. Stop Loss được đặt ngay trên cây nến đầu tiên.
- Mô hình Three Line Strike tiếp tục xu hướng giảm
Ngược lại so với mô hình Three Line Strike trong xu hướng tăng, mô hình nến tiếp tục xu hướng giảm này có những đặc điểm như sau:
Cấu tạo
Three Line Strike tiếp diễn xu hướng tăng bao gồm bốn thân nến. Ba cây nến đầu là ba cây nến tăng đều (thân nến sau cao hơn thân nến trước). Cây nến cuối cùng là một cây nến giảm có thân dài, cây nến này nhấn chìm toàn bộ phần thân của ba cây nến trước đó.
Ngược lại, Three Line Strike tiếp diễn xu hướng giảm có ba cây nến đầu là ba cây nến giảm đều. Cây nến cuối cùng là một cây nến tăng, và cũng nhấn chìm toàn bộ phần thân của cả ba cây nến trước đó.
Ý nghĩa
Cũng giống như mô hình Three Line Strike trong xu hướng tăng, mô hình nến này gây khá nhiều tranh cãi. Hai cây nến cuối cùng của mô hình tạo thành mô hình nến đảo chiều Engulfing Line, báo hiệu xu hướng có thể chuyển từ giảm sang tăng.
Việc giao dịch theo xu hướng với mô hình nến tiếp diễn này cần được kết hợp cùng các công cụ và chỉ báo khác để có thể khẳng định rằng thị trường sẽ đảo chiều hay sẽ tiếp tục xu hướng hiện tại
Những điều cần lưu ý khi sử dụng các mô hình nến tiếp tục xu hướng
Các mô hình nến tiếp diễn đã được chứng minh là có tỷ lệ thành công cao hơn nhiều so với các mẫu nến đảo chiều. Tuy nhiên, để sử dụng các mô hình nến này một cách an toàn nhất, anh em vẫn cần kết hợp thêm các thông tin xác nhận từ những công cụ hay chỉ báo khác, như RSI, MACD…
Bên cạnh đó, có 3 quy tắc quan trọng mà chúng ta cần phải lưu ý khi sử dụng các mô hình nến nói chung và các mô hình nến tiếp diễn nói riêng, bao gồm:
- Quy tắc 1: chỉ riêng các mô hình nến không tạo ra được một chiến lược giao dịch hoàn chỉnh, bao gồm các mô hình nến tiếp diễn.
Nếu chỉ sử dụng duy nhất các mẫu nến mà có thể giao dịch thắng lợi một cách thường xuyên, thì chúng ta không cần phải có các chiến lược và kế hoạch phức tạp, và ai cũng có thể dễ dàng trở nên giàu có. Rõ ràng điều này là vô lý, vậy nên anh em không nên quá phụ thuộc vào các mô hình nến tiếp diễn mà cần học hỏi thêm nhiều kiến thức khác nữa.
- Quy tắc 2: Mô hình nến tiếp diễn phải xuất hiện ở trong một xu hướng, có nghĩa là xu hướng cần được xác nhận là đã bắt đầu.
Nếu như anh em bắt gặp một trong các mô hình nến tiếp diễn phía trên ở trong một thị trường sideway, thì đừng vội vàng giao dịch. Thị trường đang không có xu hướng thì rõ ràng là không thể có cái gọi là “tiếp tục xu hướng” được.
- Quy tắc 3: Các mô hình nến cần được sử dụng kết hợp các công cụ khác, cũng như các phương pháp phân tích khác.
Quy tắc này có liên quan mật thiết tới quy tắc số 1. Chỉ một mình các mô hình nến thì không thể có độ chính xác cao nhất được, mà anh em cần kết hợp thêm các phương pháp khác để “bổ sung sức mạnh” cho các mô hình nến tiếp diễn này, từ đó có được những giao dịch với xác suất chiến thắng cao nhất.
Tổng kết
Qua bài viết trên, ISG đã giới thiệu một số mẫu mô hình nến tiếp diễn xu hướng mà anh em có thể dễ dàng nhận biết và áp dụng trong giao dịch.
Ngoài các mô hình kể trên, thực tế còn có rất nhiều mô hình khác được các nhà phân tích đưa ra. Tuy nhiên, nhiều mô hình có tỉ lệ xuất hiện cực kỳ thấp và thường không dễ nhận biết, nên việc áp dụng vào thực tế không hề dễ dàng.
Bên cạnh đó, nhiều mô hình nến dù được coi là mô hình nến tiếp diễn trong một vài trường hợp, nhưng ở trường hợp khác lại có vai trò giống như một mô hình nến đảo chiều, ví dụ như các mô hình Three Line Strike và Deliberation chúng ta đã nói ở trên. Vì vậy để sử dụng được chúng khi giao dịch theo xu hướng cần có kinh nghiệm và khả năng nắm bắt xu hướng thị trường tốt.
Đối với các nhà giao dịch mới, khi tham gia thị trường nên tập trung vào các mô hình dễ nhận biết và dễ áp dụng. Đồng thời yêu cầu bắt buộc khi sử dụng các mô hình nến này là phải kết hợp cùng với các chỉ báo và công cụ khác, để xác nhận được các tín hiệu có độ tin cậy cao, hạn chế rủi ro xuống mức thấp nhất trước khi đưa ra quyết định vào lệnh. Vì vậy anh em cần chuẩn bị cho mình đầy đủ kiến thức trước khi tham gia giao dịch nhé. Chúc anh em giao dịch an toàn và hiệu quả.