BIÊN LỢI NHUẬN GỘP – 1 CHỈ SỐ QUAN TRỌNG TRONG PHÂN TÍCH BCTC

 

Biên gộp – Một trong những chỉ số đơn giản nhưng có ý nghĩa thực chiến nhất

1. Vì sao biên ròng phản ánh thứ cổ đông nhận được (nhìn trực tiếp vào Bottom Line – LNST trên BCTC) nhưng chúng ta lại phải nhìn Biên gộp thậm chí là thường xuyên hơn? Biến động từ Biên gộp nói lên điều gì? Biên gộp thể hiện những bản chất gì của doanh nghiệp?
2. Biên gộp thấp là cổ phiếu xấu, Biên gộp cao là cổ phiếu tốt? Nên chọn ngành nghề có biên gộp cao?
3. Nhìn Biên gộp và biến động chiều ngang có đủ cho các quyết định đầu tư?
Mình tạm vạch ra những vấn đề trên đây để có một góc nhìn nhiều chiều cho mọi người về Biên gộp – Một chỉ số đơn giản nhưng hàm chứa nhiều điều có thể khai thác được.

Biên lợi nhuận gộp, về công thức thì ai cũng biết: Lợi nhuận gộp( Doanh thu trừ đi Giá vốn)/Doanh thu. Vốn không phải là 1 chỉ số tài chính quá phức tạp. Vấn đề là Biên gộp sẽ bao hàm những ý nghĩa gì.

 

Vì sao không nhìn mỗi Biên ròng cho nhanh?

Bạn bán một cái bánh mỳ giá 15 nghìn, với Giá vốn 12 nghìn bao gồm chủ yếu là cho Thịt, giò chả, rau củ gia vị, bạn tạm có lợi nhuận gộp 3 nghìn/ bánh. Nhưng đó không phải là lợi nhuận cuối cùng về túi. Sau khi trừ đi các chi phí tài chính, bán hàng, quản lý trên mỗi bánh (có thể hiểu là các chi phí cố định – Fixed Costs) thì bạn còn 1.5 nghìn đồng lợi nhuận. Theo công thức tài chánh => Biên ròng 10%, Biên gộp 20%.
Biên ròng cho thấy hiệu quả chuyển hóa doanh thu thành lợi nhuận cuối cùng cho cổ đông. Nhưng nhìn Biên gộp vì Biên gộp nói lên nhiều điều hơn thế.

Biên gộp nói lên đặc thù của ngành nghề

Đó là Giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị – chuỗi cung cứng của ngành. Doanh nghiệp nắm giữ chuỗi giá trị dài hơn sẽ nhận được giá trị cao hơn trên mỗi đồng doanh thu => Biên gộp cao hơn. Thay vì mua bánh mỳ về làm, tiệm bánh của bạn làm tự nướng bánh từ bột => Doanh thu vẫn thế nhưng giá vốn rẻ đi chỉ còn 11 nghìn. Biên gộp sẽ cao hơn tiệm bánh trên kia (chưa bàn về hiệu quả cuối cùng do sẽ có thêm chi phí khấu hao cho lò bánh).
Nhìn lên các doanh nghiệp trên sàn, bạn có thể nhìn vào ngành thép, có sự khác biệt rõ ràng về chuỗi giá trị của HPG ( Đi từ quặng) so với HSG, NKG ( Đi từ phôi). Nhìn vào ngành dệt may, hầu hết các doanh nghiệp CMT – Cắt may đơn thuần sẽ có biên gộp thấp hơn các doanh nghiệp FOB, làm thêm được phần nhập nguyên liệu => dẫn đến MSH – đơn vị có tỉ trọng FOB cao nhất ngành có biên lợi nhuận tốt nhất. Nhìn rộng hơn nữa, ở một chuỗi giá trị thật dài của dệt may đi từ Bông/sợi nhân tạo đến sản phẩm có thương hiệu cuối cùng, thì giá trị gia tăng tại khâu cắt may của ngành dệt may Việt Nam là thấp nhất so với các mắt xích khác trong chuỗi như Thương hiệu, Sợi, Vải, Dệt Nhuộm… nên các doanh nghiệp này có biên gộp kém xa so với các Doanh nghiệp thời trang khác trên thế giới.
Sâu hơn, Biên gộp và diễn biến còn gián tiếp nói lên nhiều đặc điểm của ngành nghề: Hàng rào gia nhập – Ngành nghề có biên gộp cao thường có hàng rào gia nhập khó khăn. Mức độ phức tạp,hàm lượng công nghệ của ngành nghề tạo ra Biên gộp cao hơn. Phase phát triển của ngành, cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành – những ngành nghề cạnh tranh cao thường khiến cho biên gộp các doanh nghiệp giảm dần, như ngành Express (VTP). Vị thế của doanh nghiệp trong ngành – vị thế đầu ngành thường nắm giữ năng lực để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, “power” của doanh nghiệp với nhà cung cấp và khách hàng đầu ra – tốt hơn sẽ có thể chuyển các bất lợi về giá về cho các đối tác hai đầu mắt xích. Khi tìm hiểu về một Doanh nghiệp/Ngành mới, đánh giá về biên gộp, hãy lục lại những dòng trên đây và tự đặt cho mình những câu hỏi vì sao.
Nếu doanh nghiệp hoàn thiện thêm chuỗi giá trị, hoặc tiến đến một phân khúc thị trường cao hơn, biên gộp sẽ lên một mặt bằng mới và doanh nghiệp được coi là ở một vị thế khác. Thông thường, các doanh nghiệp thay đổi về chuỗi giá trị như vậy sẽ mang lại cơ hội đầu tư dài hạn hấp dẫn, đến từ cả tăng trưởng lợi nhuận lẫn đánh giá lại về các chỉ số định giá Multiple (P/e. P/b), dù làm được điều này không bao giờ là đơn giản. Ví dụ trong những năm qua là những case tăng trưởng điển hình như FPT, HPG, DGC…

Nếu nhìn biến động biên ròng, sẽ bao gồm thay đổi các chi phí tài chính, bán hàng, vận hành, các thu nhập và chi phí bất thường, khó lòng nói lên điều chúng ta cần phán đoán.

 

Biến động biên gộp nói lên bối cảnh thị trường.

Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hàng năm bị ảnh hưởng nhiều từ giá đầu vào và đầu ra, năm vừa qua là năm cực thịnh cho giá hàng hóa và các doanh nghiệp có liên quan (cắt thép, hóa chất, phân bón..) Biên gộp là đối tượng bạn cần nhìn để đánh giá sát sườn nhất về biến động giá hàng hóa tác động như thế nào và bao nhiêu.
Chuyên sâu hơn, hiểu rõ cơ cấu doanh thu, cấu thành chi phí, bao nhiêu đồng quặng, than coke sẽ tạo ra 10 đồng thép thành phẩm, thì biến động giá hàng hóa sẽ giúp bạn ước lượng được tác động cụ thể vào kết quả kinh doanh cuối cùng.
Lưu ý rằng, biến động giá cả lên biên gộp thường tạo ra sóng ngành, hấp dẫn cho đầu cơ, nhưng việc biên gộp tăng giảm theo yếu tố này mang tính chu kỳ. Năm nay đang tăng cao thì tiềm ẩn rủi ro, năm nào giảm sốc thì lại là xem xét là cơ hội. Khác xa so với việc biên gộp tăng do hoàn thiện chuỗi giá trị là bền vững. Do vậy đoán được biên gộp tăng để Đầu tư/đầu cơ cổ phiếu theo sóng hàng hóa thì là hấp dẫn, nhưng việc nhìn BCTC và thấy vừa cải thiện biên gộp => quyết định mua, thì mời các bạn xem lịch sử của nhóm Thủy sản.
Thêm một lưu ý nữa, nếu là Sóng ngành từ giá hàng hóa tác động tích cực lên một nhóm doanh nghiệp nào đó, thì tăng trưởng KQKD và tăng trưởng giá cổ phiếu thông thường hấp dẫn nhất ở các doanh nghiệp vị thế…kém nhất.

Lục lại 1 bài viết gần đây của mình về Doanh nghiệp tốt hay Cổ phiếu tốt. Thì với trường hợp vừa nêu ra, lựa chọn Cổ phiếu tốt nhất lại từ những Doanh nghiệp yếu kém/xấu nhất trong ngành, và sẽ nhìn từ Biên gộp.

 

Biên gộp cao cho đầu tư dài hạn, biên gộp thấp lại tiềm ẩn cơ hội đầu cơ hấp dẫn.

Biên gộp cao thường đại diện cho vị thế dẫn đầu của doanh nghiệp trong một ngành nghề cụ thể nào đó. Ngoài thể hiện nắm giữ chuỗi giá trị cao, nó còn giúp cho doanh nghiệp lấn át thị phần trong các thời điểm khó khăn của ngành, tiền đề để …bung lụa trong các chu kỳ thuận lợi hơn. Ví dụ nhỏ với xưởng bánh mỳ đứng đầu khu phố hôm nọ với chuỗi giá trị hoàn chỉnh từ bột bánh đến sản phẩm cuối cùng với biên gộp 30% so với các tiệm nhỏ hơn có biên gộp 20%. Trong các giai đoạn khó, giá bán giảm chung 10% sẽ khiến cho lợi nhuận gộp của xưởng đứng đầu giảm 33%, tuy nhiên của các tiệm\ nhỏ giảm tới 50%. Nếu chi phí vận hành chiếm thêm 10% doanh thu, thì các tiệm nhỏ này hòa vốn và bắt đầu mấp mé ngưỡng thua lỗ không có đường lùi, trong khi xưởng bánh đầu ngành thì chỉ bớt lãi, còn dư địa để có thể tận dụng thời cơ áp các chính sách cạnh tranh giá, lấy thị phần và chờ đợi bùng nổ ở giai đoạn ổn định trở lại. Đây là một trong những điểm tựa giúp HPG trong vòng hơn 10 năm, trở thành doanh nghiệp số một thị phần và vươn ra biển lớn.

Dù vậy, việc nhìn biên gộp cao/thấp để ra quyết định đầu tư thì lại dễ quá, mà dễ thì đã không phải là thị trường chứng khoán. Trong chiều hướng ngược lại, chúng ta thường chứng kiến các con “sóng ngành” sẽ khiến cho cổ phiếu vị thế kém, biên gộp thấp có mức tăng giá cổ phiếu thường là ấn tượng hơn. Ngược lại với ví dụ trên. Một doanh nghiệp đang có biên gộp cao – 30%, khi giá bán đầu ra tăng trưởng 10% thì sẽ có tăng trưởng biên gộp 33%. Nhưng một doanh nghiệp yếu kém, khi thiên thời ập vào, có thể tăng trưởng từ 5% biên gộp lên…15%, ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận gộp gấp 3. Nhiều doanh nghiệp thép có biên gộp thấp (thương mại, gia công), khi vào sóng giá hàng hóa, sẽ đạt tăng trưởng gấp 10, gấp 100 lần cũng được khi có những năm lợi nhuận trước đó chỉ vỏn vẹn tính bằng một vài tỉ. Nhìn lại vào sóng ngành Khu Công nghiệp năm 2019, hãy nhớ rằng những cổ phiếu có mức tăng ấn tượng nhất lại không có mặt KBC, IDC, BCM,.. những doanh nghiệp nắm giữ vị thế dẫn đầu tuyệt đối về quỹ đất và năng lực triển khai. Trong khi “dẫn dắt sóng ngành” lại là những doanh nghiệp như SZC, có giá cho thuê bằng nửa khu vực Bình Dương Đồng Nai, tại địa phương vốn không hề hấp dẫn vốn FDI trước đó. Sóng thép năm vừa qua cũng chứng kiến mức tăng của NKG, HSG vượt trội hơn hẳn HPG, ngay cả khi HPG có thêm tăng trưởng gấp 4 lần công suất.

 

Nên chọn ngành nghề có biên gộp cao?

Hầu như không liên quan trực tiếp đến quyết định, có thể tóm gọn như vậy. Biên gộp thể hiện đặc thù của ngành, không thể hiện ngành nào hấp dẫn hơn ngành nào. Bán lẻ là một ngành nghề biên thấp, MWG với vị thế bỏ xa tất cả các đối thủ cũng chỉ ghi nhận khoảng 20% biên gộp – nhưng 20% này thuộc dạng không ai trong ngành theo kịp. Lợi nhuận và tăng trưởng hấp dẫn của ngành nằm ở khả năng tăng trưởng doanh thu. Biên gộp là khoảng giữa của giá bán buôn từ đơn vị cung cấp và giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng cuối. Mặc dù biên thấp, nhưng tính chất của ngành Bán lẻ lại không giống chút nào so với Thương mại, cũng là mua đi bán lại. Ngành bán lẻ có biên gộp coi như được fix và luôn ổn định, trong khi thương mại là thuần túy mua cao bán thấp, năm lãi to có năm lỗ gộp. Ngược lại, một trong những ngành nghề biên gộp rất cao là thủy điện, có những doanh nghiệp ghi nhận biên 60% thậm chí 70% hoặc cao hơn, do cơ cấu giá thành sản xuất chủ yếu là khấu hao và….nước. Dù vậy, cổ phiếu ngành này hấp dẫn ở đâu thì phải theo dõi tình hình thủy văn, doanh nghiệp đang ở giai đoạn trẻ hay già, có tăng trưởng về cổ tức hay không, xem biên gộp sẽ không có quá nhiều ý nghĩa.
Thủy sản là ngành có biên gộp biến động mạnh hàng năm, thể hiện sát tính chu kỳ đặc thù của ngành, phụ thuộc vào giá tôm, cá nguyên liệu và giá xuất khẩu tại các thị trường chủ lực. Cũng là xuất khẩu, cũng “mang tiếng” gia công biên hẹp, nhưng ít ai để ý dệt may lại là ngành có biên gộp khá ổn định. Do chuỗi giá trị của ngành dệt may tại Việt Nam là chỉ đơn thuần lấy công làm lãi, việc nhập nguyên liệu lại nằm ở chủ hàng chứ không cần chủ động(đối với doanh nghiệp FOB). Nói dễ hiểu, không có biến động giá hai đầu, không có biến động biên gộp. Như vậy cùng là xuất khẩu, nhưng nếu đầu tư cổ phiếu thủy sản, phải theo sát hàng ngày biến động giá đầu vào đầu ra, sẽ ăn vào biên gộp, nhưng lại chả cần quan tâm điều này nếu bạn nhìn sang dệt may, chú ý điểm quan trọng nhất là đơn hàng và công suất.

Mấy ví dụ ngành vắn tắt nói trên, để bạn thấy rằng so sánh biên gộp giữa ngành này và ngành khác, là một sai lầm. Để nó đứng độc lập, cũng cực kỳ khô khan.

 

Nhìn biên gộp đủ cho kết luận đầu tư?

Biên gộp là một chỉ số nói lên nhiều ý nghĩa, nếu nắm rõ những yếu tố tạo ra biên gộp, sẽ hiểu kỹ càng bức tranh của doanh nghiệp và những mắt xích hoạt động trong ngành. Nhưng đứng đơn lẻ, không hiểu về ngành, không nhìn lịch sử doanh nghiệp, chỉ nhìn đơn giản “biên gộp kỳ này cải thiện so với kỳ trước” sẽ không giúp gì được cho bạn, càng tất lẽ dĩ ngẫu là chả mang lại giá trị trong đầu tư.
Tóm gọn, nhìn biên gộp sẽ giúp bạn:
(1) Hiểu tính chu kỳ của ngành, hiểu bản chất, tính ra giá trị gia tăng của ngành, các yếu tố cấu thành nên lợi nhuận
(2) Hiểu vị thế của doanh nghiệp đang quan tâm trong ngành; giải thích được sự hơn/kém giữa các doanh nghiệp
(3) Nhìn chiều ngang (so với các kỳ trước), có thể hiểu được hoặc là chu kỳ của doanh nghiệp, hoặc là cách doanh nghiệp đang đi lên/đi xuống trong chuỗi giá trị
(4) Cạnh tranh trong ngành và rào cản gia nhập

(5) Tiềm tàng một số luận điểm đầu tư cho việc cải thiện biên gộp trong tương lai nếu hiểu ngọn ngành các ý nói trên

 

Nguồn: Tuan Hieu Ho, CEO StockLine

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *