Các yếu tố ảnh hưởng đến giá vàng? Mối quan hệ giữa giá vàng và giá dầu

Giá vàng – các yếu tố ảnh hưởng và mối liên hệ giữa giá vàng giá dầu

Trong hai quý đầu năm 2022, nguồn cung dầu trên thế giới đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi bất ổn về địa chính trị, khiến giá dầu cũng như các chế phẩm từ dầu bị đẩy lên mức cao kỷ lục. Tiếp đó, nhu cầu mua vàng như một kênh đầu tư an toàn tăng cao, khiến giá vàng tăng mạnh. Hiện nay, có tương đối ít các tài liệu nghiên cứu mối liên hệ giữa giá dầu và giá vàng, chủ yếu là nghiên cứu mối quan hệ của chúng với nền kinh tế vĩ mô. Vậy giá dầu và giá vàng có phải lúc nào cũng biến động cùng chiều như trong trường hợp trên hay không? Đừng bỏ qua bài viết này của ISG nhé.

Các yếu tố ảnh hưởng đến giá vàng

Hoạt động dự trữ vàng và chính sách tiền tệ của các Ngân hàng trung ương

Vàng luôn có vị trí đặc biệt trong kho bạc của Ngân hàng trung ương và nguyên tắc này được áp dụng cho mọi ngân hàng trung ương trên toàn cầu. Nhìn chung, việc các ngân hàng trung ương luôn đưa vàng vào danh mục đầu tư với các chức năng chính là:

  • Tích trữ vàng để giảm thiểu rủi ro đặc biệt trong giai đoạn bất ổn và biến động của thị trường.
  • Mua vàng nhằm mục đích phòng ngừa tác động của lạm phát đến nền kinh tế.
  • Vàng chính là biện pháp để ngăn chặn rủi ro đối với các nền kinh tế mới nổi chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của thị trường tự do quá mức làm tổn hại ngành công nghiệp.

Động thái của các Ngân hàng trung ương và các bộ phận khác của khu vực chính thức (official sector) có thể có tác động quan trọng đến giá vàng. Lý do cho nhận định trên là việc các ngân hàng trung ương là tổ chức nắm giữ trữ lượng vàng lớn, sở hữu khoảng 30.500 tấn trong năm 2010 và khoảng 33.000 tấn trong năm 2020, chiếm khoảng 15% tổng số vàng dự trữ trên mặt đất.

Do đó, các chính sách của ngân hàng trung ương về mua và bán vàng có thể tạo ra những tác động đáng kể đến biến động giá vàng trong đó bản thân các chính sách này đã có nhiều thay đổi trong nhiều thập kỷ.

Theo dữ liệu GFMS – lần mua ròng vàng đầu tiên kể từ năm 1988 nhưng sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 mà chính thức là vào năm 2009 khu vực chính thức mới thực sự đẩy mạnh mua vàng, chấm dứt hai thập kỷ liên tục bán ra. Năm 2010, khu vực chính thức đã mua ròng tổng cộng 77 tấn vàng.

Trong năm 2019, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu mua ròng 668,5 tấn vàng, nhiều nhất kể từ khi các định chế tài chính quốc gia này trở thành lực lượng mua ròng vàng vào năm 2010.

Cụ thể, kể từ khi các Ngân hàng trung ương mua ròng vàng một thập kỷ trước, giá vàng đã tăng 88%. Năm 2010, giá một ounce vàng là 1.096USD/ounce và đỉnh điểm vào tháng 8 năm 2020, vàng đã thiết lập kỷ lục mới với giá 2.070 USD/ounce.

Đặc biệt, chính sách tiền tệ của các ngân hàng Trung ương, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ – FED có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến biến động giá vàng. Lập trường chính sách nới lỏng tiền tệ (QE) của Hoa Kỳ và các nền kinh tế lớn khác đã làm tăng nguy cơ tiềm ẩn về lạm phát cao trong tương lai và chỉ riêng điều này có thể đã đủ để kích thích nhu cầu của nhà đầu tư đối với vàng như một “hầm trú ẩn an toàn”.

Cụ thể là họ mua lượng lớn chứng khoán để tăng cung tiền của họ. Điều này góp phần làm tăng giá vàng trong thời gian ngắn. Nếu nới lỏng định lượng quá mức bởi Ngân hàng trung ương của một quốc gia, điều này sẽ gây ra lạm phát và giá vàng sẽ tăng hơn nữa.

Lãi suất có ảnh hưởng lớn đến giá vàng vì một yếu tố được gọi là “chi phí cơ hội”. Chi phí cơ hội là chi phí khi bạn từ bỏ khoản lãi ngân hàng để đi đầu tư vào một tài sản có rủi ro khác. Như vậy đôi khi bạn đầu tư được lợi nhuận 3%/năm nhưng lạm phát lại là 4%/năm, bạn có lời danh nghĩa nhưng lại lỗ trên thực tế. Hoặc bạn đầu tư được lợi nhuận 5% nhưng lãi suất ngân hàng lại là 7%.

Trong trường hợp này, vàng trở thành một cơ hội đầu tư hấp dẫn mặc dù lợi suất 0% của nó bởi vì chi phí cơ hội thấp. Nói cách khác, các nhà đầu tư sẽ đầu tư vào vàng nhiều hơn nếu lãi suất các kênh đầu tư khác thấp và ngược lại.

Ngoài ra, các bình luận của FED cũng có thể làm thị trường vàng di chuyển. Tại Mỹ, Ủy ban FOMC, tổ chức các cuộc họp khoảng sáu tuần một lần, thảo luận về tình trạng của nền kinh tế Mỹ và quyết định chính sách tiền tệ. Nếu FOMC có lập trường ngụ ý rằng lãi suất có thể tăng trong tương lai gần, giá vàng có khả năng giảm. Tuy nhiên, nếu FOMC khẳng định rằng lãi suất đang có kế hoạch giữ ổn định, giá vàng có xu hướng tăng.

Ảnh hưởng của đồng USD đến giá vàng

Vì là một loại hàng hoá nên giá vàng cũng bị ảnh hưởng và tác động bởi tiền tệ, trong đó vàng và tiền tệ từ trước đến nay vẫn duy trì mối quan hệ tương quan nghịch. Đặc biệt, mối quan hệ giữa giá vàng và USD có lẽ là mối quan hệ tương quan nghịch được biết đến rộng rãi nhất.

Chính vì thế, việc biến động đồng USD cũng ảnh hưởng không nhỏ tới giá vàng và nhiều chuyên gia có quan điểm rằng khi đồng đô la Mỹ mạnh lên thì giá vàng sẽ giảm xuống, và ngược lại khi đồng đô la Mỹ yếu đi thì giá vàng tăng cao.

Hầu hết các nghiên cứu về các yếu tố quyết định giá vàng cho đến nay đều tập trung vào Hoa Kỳ, phản ánh sức nặng kinh tế và tài chính của cường quốc và vai trò của đồng USD là đồng tiền dự trữ chính của nền kinh tế toàn cầu.

Khi xem xét giá trị đồng bạc xanh, người ta thường đánh giá thông qua nền kinh tế Mỹ và những yếu tố chính được xem là thước đo phản ánh sức mạnh hay suy yếu của nền kinh tế Mỹ. Lịch sử đã ghi nhận trong thời gian nền kinh tế Mỹ suy thoái do sự sụp đổ của thị trường bất động sản kéo theo sự giảm giá trị của đồng USD vào năm 2008-2009, giá vàng đã tăng cao.

Cụ thể, sự suy giảm giá trị của đồng tiền có sức ảnh hưởng lớn với nền kinh tế cũng kéo theo sự suy giảm về niềm tin nơi các nhà đầu tư về đồng tiền này khiến họ chuyển sang các tiền tệ khác và thậm chí có thể là dùng vàng là đơn vị trao đổi hàng hoá. Giá vàng vì thế và tăng cao. Đó cũng là lý do vì sao trong thời kỳ bất ổn về kinh tế và khi đồng đô la yếu đi, người ta thích đầu tư vào vàng thông qua các phương tiện giao dịch vàng như quỹ vàng hoặc vàng vật chất.

Tuy nhiên, sự thật không phải lúc nào giá vàng cũng chuyển động ngược chiều với đồng đô la bởi lịch sử đã ghi nhận có những thời điểm vàng và đô la Mỹ tăng giá cùng nhau dưới sự ảnh hưởng của nguồn cung cầu.

Ảnh hưởng của Lãi suất và Lạm phát đến giá vàng
Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng cả trực tiếp và gián tiếp đến biến động giá vàng, tuy nhiên lãi suất và lạm phát cũng là 2 trong số nhân tố có tác động rõ rệt và quan trọng đến xu hướng giá của vàng.

Về lý thuyết, nhiều nhà quan sát thị trường tin rằng giữa lãi suất và giá vàng có quan hệ nghịch biến. Cụ thể:

  • Với tín hiệu giảm lãi suất của Ngân hàng trung ương dẫn đến việc tăng cung tiền cho nền kinh tế kéo theo hệ lụy sẽ làm cho lạm phát tăng, qua đó làm tăng nhu cầu mua vàng để bảo toàn giá trị chống lại lạm phát nên kéo theo việc giá vàng cũng sẽ tăng theo.
  • Ngược lại, việc tăng lãi suất sẽ làm giảm giá vàng do sự gia tăng cạnh tranh từ các khoản đầu tư có lợi suất cao hơn. Nhiều nhà đầu tư và nhà phân tích thị trường lập luận rằng lãi suất tăng làm cho trái phiếu và các khoản đầu tư có thu nhập cố định khác trở nên hấp dẫn hơn. Do đó, tiền sẽ chảy vào các khoản đầu tư có lợi suất cao hơn (chẳng hạn như trái phiếu hay các quỹ tiền tệ như ETF, v.v.) khiến cho vàng trở nên kém hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư, từ đó khiến cho giá vàng suy yếu theo.

Trong khi đó, qua các số liệu thống kê thì lạm phát có mối quan hệ cùng chiều với giá vàng.

Vàng là một trong các tài sản tài chính hữu ích, là nhân tố chỉ báo hàng đầu của lạm phát vì tỷ suất sinh lợi của chúng đã tính đến lạm phát kỳ vọng. Trong thực tế, vàng thường được phân tích với vai trò là hàng hóa, nhưng không giống các hàng hóa thông thường khác, vàng có sự khác biệt mang tính lịch sử và được sử dụng để bảo tồn giá trị và là nơi trú ẩn chống lạm phát.

Là một hàng hóa đặc biệt, vàng không có đối thủ trong việc làm tài sản để bảo tồn giá trị với lợi thế tâm lý hơn các tài sản khác xuất phát từ việc sử dụng nó cho mục đích này bao trùm nhiều thế kỷ qua. Những chuyển động trong giá vàng ở một mức độ nào đó có thể dự báo mức độ lạm phát tương lai.

Về lý thuyết sự gia tăng kỳ vọng lạm phát làm giảm sức mua của đồng tiền, do đó sẽ có tâm lý tìm đến vàng để bảo tồn giá trị. Điều này sẽ làm tăng nhu cầu vàng, khiến giá vàng tăng cao, khi đó giá vàng càng cao là tín hiệu cho thấy tỷ lệ lạm phát cao hơn trong tương lai.

Đây là lý do tại sao các chương trình nới lỏng định lượng cho thấy nguồn cung tiền tệ mở rộng nhanh chóng được xem là tích cực đối với giá vàng vật chất, và là lý do chính thúc đẩy nhu cầu vàng, đặc biệt cho mục đích đầu cơ.

Trong những quý gần đây lạm phát đã tương đối thuần hóa (chỉ trên 1%). Thiếu lạm phát là một yếu tố khiến FED không tăng lãi suất cho vay, nhưng nó cũng giữ giá vàng thường hoạt động tốt hơn trong môi trường lạm phát gia tăng. Sự thúc đẩy này giữa lãi suất và lạm phát có thể gây ra một cuộc chiến không ngừng về giá vàng.

Nguồn cung – cầu vàng ảnh hưởng đến giá vàng

  • Nguồn cung vàng là hữu hạn dẫn đến giá vàng tăng

Vàng là một loại hàng hoá đặc biệt và chính vì mang tính chất của một loại hàng hoá nên vàng cũng chịu tác động của quy luật cung cầu trên thị trường.

Xét về nguồn cung của vàng, vàng chủ yếu được cung cấp bởi những nước có trữ lượng vàng lớn, sản lượng xuất khẩu lớn có tầm ảnh hưởng đến thị trường vàng thế giới: Nam Phi, Mỹ, Nga, Canada, Úc, Trung Quốc và Peru.

Trung Quốc đã là quốc gia sản xuất vàng lớn thứ hai thế giới, vượt cả Nam Phi trong khi lượng vàng dự trữ chính thức của Trung Quốc chỉ còn kém Mỹ, Đức, Pháp, Italia và Thụy Sĩ. Việc tích lũy vàng của Trung Quốc đã góp phần làm vàng lên giá.

Tuy nhiên sản lượng khai thác vàng đã giảm trong những năm 2000. Một nguyên nhân chính là tất cả những vàng “dễ khai thác” đều đã được khai thác; các thợ mỏ bây giờ phải đào sâu hơn để để có thể tìm được nguồn vàng chất lượng. Việc vàng trở nên khó khai thác hơn đã gây ra thêm một số vấn đề: các thợ mỏ đối diện với nhiều nguy hiểm hơn, và việc khai thác vàng tác động nhiều hơn đến môi trường. Nói tóm lại, chúng ta đang tốn nhiều tiền hơn để có được ít vàng hơn. Điều này làm tăng chi phí sản xuất vàng, dẫn đến giá vàng tăng.

  • Nhu cầu đối với vàng ảnh hưởng đến giá vàng như thế nào?

“Văn hóa trọng vàng” đã tồn tại hàng nghìn năm và vẫn được giữ cho đến ngày nay. Có thể vàng không phải là kim loại quý hiếm nhất thế giới nhưng nhu cầu của xã hội về vàng đã xuất hiện rất sớm trong lịch sử và ngày càng tăng khiến cho vàng trở thành một thứ hàng hóa rất hấp dẫn và vật lưu trữ quý giá.

Ngoài vai trò tiền tệ và tài sản lưu trữ thì vàng còn là thành phần vô cùng quan trọng sử dụng trong trang sức và công nghiệp. Hơn một nửa nhu cầu vàng đến từ trang sức, trong đó 2 quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ có nhu cầu lớn nhất. Thậm chí ở nhiều nơi trên Ấn Độ, vàng vẫn được coi là thước đo thể hiện sự giàu có, là món quà quý giá dùng để tặng vào những dịp quan trọng, điều này đã đẩy giá vàng ở Ấn Độ tăng lên.

Ngoài đồ trang sức, các sản phẩm công nghiệp điện tử cũng cần 1 lượng vàng khá lớn, tương đương khoảng 12% để sản xuất các thiết bị điện tử, máy tính, hệ thống GPS và các thiết bị y tế như khác.

Tương tự như bất kỳ loại hàng hóa hoặc dịch vụ nào, nhu cầu tăng trong khi nguồn cung bị hạn chế có xu hướng tác động đến giá của hàng hóa hoặc dịch vụ đó cao hơn. Như trên đã nói, vàng là một nguồn tài nguyên hữu hạn và khi điều kiện kinh tế toàn cầu làm cho vàng trở nên hấp dẫn sẽ khiến nhu cầu sở hữu vàng tăng, làm cho giá tăng theo.

Hoạt động của các quỹ ETF vàng

Bên cạnh các ngân hàng trung ương, các quỹ giao dịch trao đổi (ETF) – như SPDR Gold Shares (GLD) và iShares Gold Trust (IAU), cho phép các nhà đầu tư mua vàng bằng các chứng chỉ do chính những quỹ này cấp và hiện các quỹ này nắm giữ một khối lượng vàng vô cùng lớn.

Chính vì nắm giữ lượng lớn như vậy, nên khi những quỹ này bán ra hoặc mua vào 1 cách ồ ạt sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ tới giá vàng trên thị trường.

Một 1 ví dụ tiêu biểu như SPDR từng bán ra 20,5 tấn vàng vào 25/4/2008, đã khiến giá vàng trên thế giới đã bị đẩy xuống mức thấp nhất chỉ đạt gần 900 USD/ounce hay vào năm 2016 khi dòng tiền cho các quỹ ETF vàng đã tăng mạnh, khiến hoạt động mua của các quỹ ETF cũng tăng theo. Hoạt động mua này có thể có tác động tích cực đến giá vàng.

Khủng hoảng kinh tế – chính trị

Vàng luôn được xem là hầm trú ẩn an toàn trong bối cảnh kinh tế hoặc địa chính trị bất ổn do đó sự bất ổn về kinh tế, chính trị là một trong những nguyên nhân khiến cho giá vàng tăng mạnh.

Giới đầu tư tài chính luôn có sẵn công cụ phòng ngừa rủi ro cho mình, đặc biệt trong các giai đoạn thị trường chao đảo. Khi bán tháo các danh mục cổ phiếu, nhà đầu tư sẽ tìm đến các tài sản trú ẩn tạm thời như kim loại quý (vàng, bạc), đồng tiền mạnh (USD, CHF), trái phiếu Mỹ hay thậm chí là tiền mã hóa (Bitcoin, Ethereum) để bảo vệ giá trị tài sản của mình.

Nhiều nhà kinh tế cho rằng việc lưu trữ vàng sẽ bảo vệ giới đầu tư khỏi những rủi ro liên quan đến sự sụt giá của đồng đô la Mỹ và kim loại màu vàng này cũng được nhiều người sử dụng như một “vịnh tránh bão” trước sự bất ổn của kinh tế toàn cầu hay lo sợ sự sụp đổ của thị trường chứng khoán hay nỗi lo về giảm phát và lạm phát.

Theo một số nghiên cứu về vai trò của vàng trong cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu 2008-2009, vàng đã thể hiện hiệu quả là một kênh đầu tư trú ẩn an toàn. Trong đại dịch Covid-2019, giá vàng thế giới từ cuối tháng 3-2020 tăng liên tục và có lúc đạt đỉnh cao nhất mọi thời đại vượt mốc 2.000 USD/ounce.

Tuy nhiên, điều mà các nhà đầu tư phải ghi nhớ là sự bất ổn kinh tế – chính trị không phải là một thống kê có thể định lượng như nhiều yếu tố khác. Đó là một yếu tố tâm lý hoàn toàn phụ thuộc vào nhà đầu tư và nó có thể khác nhau từ sự kiện này sang sự kiện tiếp theo.

Mối liên hệ giữa giá dầu và giá vàng

Tác động giữa giá dầu và giá vàng không phải lúc nào cũng là trực tiếp mà phải thông qua các yếu tố khác. Khi nền kinh tế phát triển bình thường, giá của hai loại hàng hóa đặc biệt này dao động cùng chiều nhau. Tuy nhiên, khi nền kinh tế trải qua suy thoái nghiêm trọng, khiến nhu cầu mua dầu giảm sút quá mạnh, giá dầu có thể thoát ly khỏi giá vàng.

Trường hợp biến động ngược chiều
Khi nhu cầu sử dụng dầu thấp mà nguồn cung lại dồi dào, giá dầu sụt giảm đáng kể. Cùng với đó, lợi suất của trái phiếu và lãi suất ngân hàng lao dốc trên phạm vi toàn cầu, gây ra hiện tượng giảm phát. Để giải quyết tình trạng này, ngân hàng trung ương sẽ bơm tiền để kích thích nền kinh tế, khiến nhu cầu về vàng tăng cao trong ngắn hạn. Vì thế, giá vàng tăng. Tuy nhiên, nếu giá dầu ở ngưỡng thấp quá lâu, sẽ tạo ra giảm phát và kéo giá vàng giảm xuống trở lại.


Trường hợp biến động cùng chiều
Khi xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine, giá dầu tăng cao, đạt ngưỡng kỷ lục kéo theo giá của các loại hàng hóa khác cùng tăng. Tình trạng lạm phát cao được ghi nhận tại nhiều quốc gia trong đó có Hoa Kỳ và các nước EU. Ngoài ra, Nga là nước sản xuất vàng lớn thứ 3 trên thế giới sau Úc và Trung Quốc. Lệnh trừng phạt từ các nước phương Tây đối với Nga đã làm gián đoạn nguồn cung vàng toàn cầu. Đối với bất ổn về kinh tế và địa chính trị nhu cầu mua vàng tăng cao khiến giá vàng tăng. Trong trường hợp này, giá dầu tăng khiến giá vàng tăng.

Mặt khác, cả giá dầu thô và giá vàng đều được định giá bằng đồng dollar Mỹ và chúng biến thiên ngược chiều với giá đồng dollar. Vì thế, trong trường hợp xảy ra biến động về giá của đồng USD, giá dầu và giá vàng có mối tương quan thuận chiều nhau.

Tổng kết

Sự tăng giá mạnh mẽ của vàng trong những năm gần đây và đặc biệt là lần đạt đỉnh cao nhất thời đại giữa tâm điểm của đại dịch COVID-19 là kết quả của tổng hòa các yếu tố ảnh hưởng ngắn hạn hay dài hạn như đồng USD yếu, lãi suất thực thấp, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các chính sách nới lỏng định lượng của ngân hàng trung ương hay động thái tăng cường dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương.

Nhìn chung, vàng luôn là kênh đầu tư mà nhiều người tin tưởng và lựa chọn. Tuy nhiên, để đạt được những thành quả từ việc đầu tư vàng, bạn nên quan sát và tìm hiểu kỹ về những yếu tố ảnh hưởng đến giá vàng. Có như thế bạn mới có thể vững tin và đạt được những thành công từ sự lựa chọn của mình. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về giá vàng, hãy để lại bình luận ngay dưới đây.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *