Từ khi bước chân vào thị trường chứng khoán, mọi thứ như nến, chart, bảng giá,… dường như đã trở nên quá quen thuộc với chúng ta trong quá trình giao dịch. Vậy đã bao giờ bạn tự hỏi: Tại sao người ta lại dùng Nến để biểu thị mà không phải là những thứ khác? Và nó xuất hiện như thế nào? Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho bạn cái nhìn toàn diện nhất những kiến thức cơ bản về nến Nhật và cách sử dụng chúng trong quá trình đầu tư.
Những điều cần biết về nến Nhật
Nến nhật là gì?
Nến Nhật hay còn gọi là mô hình nến Nhật, biểu đồ nến Nhật… Đây là công cụ quan trọng trong phân tích kỹ thuật, dùng để mô tả những biến động về giá của một loại tài sản trong một phiên giao dịch cụ thể. Biểu đồ nến Nhật được sử dụng phổ biến trong thị trường chứng khoán, forex, tiền điện tử và hàng hoá.
Mỗi cây nến Nhật sẽ cung cấp cho nhà đầu tư 4 thông tin quan trọng trong phiên giao dịch đó là:
- Giá mở cửa.
- Giá đóng cửa.
- Giá cao nhất.
- Giá thấp nhất.
Dựa vào biểu đồ nến Nhật, nhà đầu tư có thể xác định diễn biến giá trên thị trường đang tăng, giảm hay đi ngang. Khi kết hợp với các công cụ phân tích khác có thể dự đoán được hướng đi tiếp theo của thị trường, từ đó đưa ra chiến lược đầu tư phù hợp.
Lịch sử hình thành nến Nhật:
Người Nhật Bản là những người đầu tiên sử dụng phân tích kỹ thuật để mua bán trên một trong những thị trường tương lai đầu tiên của thế giới – Đó là “Thị trường gạo tương lai”. Những người Nhật Bản bắt đầu mua bán trên thị trường này vào những năm 1600. Điều thú vị là, sự ra đời của thị trường gạo tương lai ở Nhật Bản là một kết quả của lịch sử quân sự của đất nước này.
Một thế kỷ sau chiến tranh nội bộ giữa các lãnh chúa (Lãnh chúa phong kiến của Nhật Bản), General Tokugawa Ieyasu, người cai trị Edo (tên trước đây của Tokyo), đã có được những tiếng tăm từ chiến trường Sekigahara trong năm 1600. Đây là cuộc chiến giúp thống nhất đất nước Nhật Bản. Tokugawa sau đó trở thành Shogun (Tướng quân) của toàn Nhật Bản. Sau chiến thắng của ông với các lãnh chúa khác, Tokugawa khéo léo đề nghị tất cả những vị lãnh chúa sống chung trong Edo với gia đình của họ. Khi những ông vua này trở về lãnh địa riêng của họ thì toàn bộ người thân của họ ở Edo coi như những con tin. Nguồn thu nhập chính của những lãnh chúa là gạo thu như một loại thuế từ những nô lệ làm việc trên đất đai của họ. Từ khi lượng gạo này không thể vận chuyển từ lãnh địa của những lãnh chúa bằng mọi cách tới Edo, họ lập một nhà kho trong một thành phố cảng ở Osaka để lưu trữ gạo của họ.
Bởi quyền lực to lớn của những lãnh chúa sống cô lập với những người khác ở Edo, họ có cuộc sống hơn hẳn những người khác như những bộ quần áo, tòa nhà và nhiều thứ xa xỉ khác. Điều này được phản ánh bởi câu nói nổi tiếng lúc đó, “Người Edo sẽ không giữ thu nhập của họ qua đêm”. Nó chỉ ra rằng những vị lãnh chúa ở Edo có vẻ như hoang phí với lối sống tiêu sài. Và để duy trì lối sống đó, những vị lãnh chúa đã bán gạo dự trữ của họ trong kho ở Osaka; đôi khi họ cũng bán trước cả gạo chưa thu hoạch. Kho dự trữ sẽ phát hành những biên nhận cho loại gạo này. Chúng được gọi là những hợp đồng khống (gạo không thuộc sở hữu vật lý của bất cứ ai) và chúng được bán ở thị trường thứ cấp. Điều này là sự bắt đầu của một trong những thị trường tương lai đầu tiên trên thế giới.
Việc mua bán gạo tương lai đã kéo theo nhiều hoạt động tích trữ, và từ hoạt động tích trữ này mà phân tích kỹ thuật Nhật Bản ra đời. Thương nhân giao dịch gạo nổi tiếng nhất trên thị trường gạo tương lai lúc bấy giờ là Homma. Homma đã tiến hành các hoạt động mua bán trên thị trường gạo tương lai từ những năm 1700. Ông đã khám phá ra rằng mặc dù có một sự liên kết giữa cung và cầu gạo, thị trường vẫn bị chịu ảnh hưởng mạnh bởi yếu tố cảm xúc của người mua và bán. Bởi lẽ đó, tồn tại một khoảng thời gian khi thị trường hấp thụ yếu tố thu hoạch cũng như các yếu tố khác từ thực tế. Homma cho rằng việc nghiên cứu yếu tố cảm xúc trên thị trường có thể giúp ích cho việc dự báo giá cả. Mặt khác ông cũng hiểu rằng có sự khác biệt giữa giá trị và giá thị trường của gạo. Sự khác biệt giữa giá trị và giá của gạo đúng với cả ngày nay với cổ phiếu, trái phiếu và ngoại tệ như đối với gạo hàng thế kỷ trước.
Nến nhật được ra đời, nó còn có tên khác là Sakata, Homma đã cẩn thận ghi chép lại giá gạo diễn biến ra từng ngày bằng nến, và ông nhận ra rằng có một sự lặp đi lặp lại đáng kinh ngạc khi nhìn vào lịch sử ghi chép của ông. Từ đó ông có thể dự đoán giá gạo trong tương lại để tích trữ hàng, nến nhật làm ông có lợi thế rất nhiều so với các thương nhân thời đó.
Đặc điểm của nến Nhật như thế nào?
Có lẽ mọi người đã quá quen, nến Nhật có hai thành phần chính là thân nến và bóng nến. Thông thường một cây nến Nhật tiêu chuẩn sẽ có đầy đủ các bộ phận sau:
Phần thân của nến thể hiện phạm vi giá dao động giữa giá mở cửa và giá đóng cửa trong một khoảng thời gian cụ thể, trong đó:
- Giá mở: Là giá khởi đầu trong một phiên giao dịch.
- Giá đóng: Là giá cuối, kết thúc phiên giao dịch.
- Phần bóng nến sẽ thể hiện giá cao nhất và giá thấp nhất trong phiên.
- Bóng nến trên: Là đỉnh của giá cao nhất trong phiên giao dịch.
- Bóng nến dưới: Là đáy của giá thấp nhất trong phiên giao dịch.
Ngoài ra, nến Nhật còn được biểu thị dưới 2 màu xanh – đỏ. Mỗi màu sắc sẽ mang một ý nghĩa khác nhau, cụ thể như sau:
- Nến xanh (nến tăng điểm): Giá mở cửa nhỏ hơn giá đóng cửa -> giá tăng.
- Nến đỏ (nến giảm điểm): Giá mở cửa lớn hơn giá đóng cửa -> giá giảm.
Ý nghĩa của nến Nhật
Nến Nhật là công cụ không thể thiếu mỗi khi phân tích thị trường và vào lệnh. Công cụ này không chỉ giúp nhà đầu tư tìm điểm vào lệnh tối ưu mà còn cung cấp nhiều thông tin quan trọng. Cụ thể như sau:
- Cho biết thông tin về hành vi giá trong phiên
Dựa vào hình dạng và kích thước của cây nến (thân nến, râu nến), nhà đầu tư có thể biết được phe nào đang nắm giữ thị trường và mức độ biến động trong phiên giao dịch ra sao. Ví dụ như:
– Thân nến càng dài chứng tỏ phiên giao dịch đó đang rất sôi động và 1 phe đang áp đảo thị trường mạnh mẽ. Nếu là cây nến xanh, bên mua đang chiếm ưu thế, còn nến đỏ bên bán đang chiếm ưu thế hơn. Ngược lại, nếu thân nến nhỏ cho thấy phe mua và phe bán đang có sự lưỡng lự.
– Bóng nến dài cho thấy phiên giao dịch đó biến động mạnh, cứ 1 phe đẩy giá lên lại có 1 phe kéo giá xuống hoặc ngược lại, càng về cuối phiên nếu giá đóng cửa càng sát giá mở cửa thì chứng tỏ 2 phe đều rất quyết liệt, không phe nào thắng phe nào. Ngược lại nếu bóng nến ngắn cho thấy giá cả không biến động nhiều. Lúc này cả phe mua và bán đang do dự, chờ đợi các hành động tiếp theo.
- Dự đoán hành động giá tiếp theo
Các mẫu hình nến đặc biệt xuất hiện tại các vị trí quan trọng sẽ cung cấp cho trader tín hiệu đảo chiều hoặc tiếp diễn xu hướng. Từ đó, giúp trader dễ dàng tìm được điểm vào lệnh thích hợp, đồng thời biết được khi nào thì nên đóng lệnh để tối ưu lợi nhuận.
- Thước đo tâm lý của nhà đầu tư
Tất cả mọi thông tin đều được phản ánh vào giá và giá được thể hiện qua các cây nến Nhật. Do đó, dựa vào kích cỡ của cây nến, thân nến, bóng nến… nhà đầu tư hoàn toàn có thể dự đoán được tâm lý của những người tham gia giao dịch.
Một số hạn chế của nến Nhật
Bất kỳ một mô hình phân tích nào cũng tồn tại những nhược điểm của nó, mô hình nến Nhật cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Mô hình này mang trong mình một số điểm hạn chế sau đây:
- Quá nhiều mô hình nến
Hiện nay, các mô hình nến Nhật được sử dụng phổ biến trong phân tích thị trường forex, chúng được thống kê và phân loại dễ dàng để nhà đầu tư dễ dàng nhận biết và áp dụng. Tuy nhiên trên thực tế có quá nhiều mô hình nến khiến nhà đầu tư không thể ghi nhớ được hết. Điều này dẫn đến việc phân tích thị trường không đạt được hiệu quả mong muốn.
- Khó dự đoán được xu hướng thị trường
Mô hình nến Nhật chỉ cho biết diễn biến giá ở thời điểm hiện tại mà khó có thể dự đoán được xu hướng giá trong tương lai. Đây chính là lý do nến Nhật chỉ được xem là công cụ mà không phải là phương thức dự báo xu hướng.
- Khung thời gian càng nhỏ, thị trường càng nhiễu
Một hạn chế nữa của mô hình nến Nhật đó là việc trader lựa chọn các khung thời gian càng nhỏ, thị trường càng có nhiều tín hiệu giả dẫn đến việc thông tin sai lệch, không chính xác.
Chúng tôi khuyên bạn, trong quá trình sử dụng nến Nhật nên phân tích trên nhiều khung thời gian khác nhau. Điều này giúp bạn có cái nhìn đa chiều hơn về biến động của thị trường. Mặt khác, nên kết hợp với các chỉ báo kỹ thuật khác để đưa ra nhận định chính xác hơn.
Các loại mô hình nến Nhật phổ biến
Các mẫu hình nến Nhật rất đa dạng và chúng được phân loại theo nhiều tiêu chí khác nhau. Để giúp trader có cái nhìn tổng quát về mô hình nến Nhật, sau đây chúng tôi sẽ chia sẻ 2 cách phân loại mô hình nến Nhật phổ biến nhất.
- Phân loại dựa theo số lượng nến
- Nến đơn
Trong biểu đồ nến Nhật sẽ có rất nhiều cây nến khác nhau, những cây nến này không chỉ tuân theo cây nến tiêu chuẩn mà có rất nhiều hình dáng khác nhau. Mỗi cây nến sẽ mang một ý nghĩa riêng, cụ thể như sau:
– Nến tiêu chuẩn: Mẫu hình cơ bản nhất với phần thân lớn, 2 râu khá cân đối, tương xứng với phần thân. Mẫu hình này không cung cấp nhiều tín hiệu giao dịch mà chỉ cho trader biết xu hướng đang nghiêng về phe nào thông qua màu sắc của nến.
– Nến cường lực: Nến Marubozu là đặc thù nhất cho nến cường lực. Mẫu hình nến này có phần thân nến khá dài, không có râu nến hoặc có thì cũng rất ngắn. Mẫu hình này cho thấy xu hướng hiện tại đang rất mạnh.
– Nến râu dài phía trên: Đặc điểm của cây nến này là phần thân nhỏ nằm ở phía dưới, râu trên dài gấp 2-3 lần thân nến, râu dưới gần như không có. Nếu cây nến này xuất hiện ở cuối xu hướng tăng hoặc giảm sẽ cung cấp tín hiệu đảo chiều. Điển hình như: nến búa Hammer, nến Doji bia mộ, nến Shooting star…
– Nến râu dài phía dưới: Đặc điểm là thân nhỏ nằm ở phía trên, râu dưới dài gấp 2 – 3 lần thân nến, râu trên gần như không có. Khi xuất hiện ở cuối xu hướng tăng/giảm hoặc vùng kháng cự, hỗ trợ mạnh sẽ cung cấp tín hiệu đảo chiều. Điển hình như nến búa ngược, nến Doji chuồn chuồn, nến Hanging Man…
– Nến do dự (chữ thập): Mẫu hình này có phần thân nhỏ, râu trên và dưới dài hơn rất nhiều so với thân. Mẫu hình này không cung cấp tín hiệu vào lệnh mà chỉ cho thấy sự do dự giữa phe mua và bán. Ví dụ như: nến Doji tiêu chuẩn, nến spinning top…
- Nến đôi
Nến Nhật đôi gồm có một số mô hình phổ biến sau:
– Nến nhấn chìm: Mẫu hình này gồm cây nến phía trước có thân nhỏ, cây nến phía sau có thân lớn bao trùm toàn bộ cây nến thứ nhất. Mẫu hình này thường xuất hiện ở cuối xu hướng tăng hoặc giảm, cung cấp tín hiệu đảo chiều mạnh mẽ.Nến Harami: Cây nến đầu tiên là cây nến “mẹ” có phần thân khá dài, cây nến thứ 2 nhỏ nằm gọn trong phần thân của cây nến mẹ. Nến Harami xuất hiện ở cuối xu hướng tăng hoặc giảm sẽ cung cấp tín hiệu đảo chiều mạnh mẽ.
– Nến mây đen che phủ: Gồm 2 cây nến khác màu nhau, trong đó cây nến đầu tiên là cây nến xanh thân dài, cây nến thứ 2 là cây nến giảm có giá đóng cửa nằm dưới 50% thân nến 1. Mô hình này thường xuất hiện ở đỉnh xu hướng tăng, báo hiệu đảo chiều giảm sắp diễn ra.
– Nến đỉnh nhíp, đáy nhíp: Mẫu hình nến này gồm 2 cây nến có kích thước bằng nhau, và râu nến trên dưới cũng bằng nhau. Tuy nhiên, 2 cây nến này sẽ khác nhau về màu sắc. Mẫu hình này thường xuất hiện cuối xu hướng và dự báo đảo chiều.
- Nến ba
– Nến sao hôm (Evening star): Mẫu hình này gồm 3 cây nến, cây nến thứ nhất là cây nến xanh tăng mạnh có thân dài, cây nến thứ 2 là cây nến nhỏ (có thể tăng hoặc giảm) và cây nến thứ 3 là cây nến giảm mạnh. Nến sao hôm thường xuất hiện ở cuối xu hướng tăng, báo hiệu tín hiệu đảo chiều từ tăng sang giảm.
– Nến sao mai (Morning star): Cây nến thứ nhất là cây nến giảm mạnh, thân dài, cây nến thứ 2 là cây nến nhỏ có thể là tăng hoặc giảm, còn cây nến thứ 3 là cây nến tăng mạnh. Nến sao mai thường xuất hiện ở cuối xu hướng giảm, cung cấp tín hiệu đảo chiều sang tăng.
– Nến 3 con quạ đen: Gồm 3 cây nến giảm liên tiếp, giá đóng cửa của mỗi cây nến gần bằng giá thấp nhất, còn giá mở cửa ngang với giá đóng cửa của cây nến trước đó. Mô hình 3 con quạ đen thường xuất hiện ở cuối xu hướng tăng, cung cấp tín hiệu đảo chiều mạnh mẽ.
– Nến 3 chàng lính trắng: gồm 3 cây nến tăng liên tiếp với phần thân khá lớn. Mô hình 3 chàng lính trắng thường xuất hiện ở cuối xu hướng giảm, cung cấp tín hiệu tăng giá mạnh mẽ và đáng tin cậy.
2. Phân loại dựa theo tín hiệu
Dựa vào tín hiệu cung cấp, người ta chia nến Nhật thành 3 loại sau đây:
- Mô hình nến đảo chiều
Các mẫu hình nến đảo chiều sẽ cung cấp cho trader tín hiệu đào chiều tăng hoặc giảm. Dựa vào mô hình này, trader có thể xác định chính xác thời điểm vào lệnh và thoát lệnh hiệu quả.
Một số mô hình nến thường xuất hiện ở cuối xu hướng giảm, cung cấp tín hiệu đảo chiều tăng mạnh mẽ như:
– Nến búa (nến Hammer)
– Nến búa ngược (Inverted Hammer)
– Mô hình 3 chàng lính trắng (Three White Soldiers)
– Nến mẹ bồng con tăng (Bullish Harami )
– Nến nhấn chìm tăng (Bullish Engulfing)
– Nến sao Mai (Morning star)
Một số mô hình nến thường xuất hiện ở cuối xu hướng tăng, cung cấp tín hiệu đảo chiều giảm như:
– Nến người treo cổ (Hanging man)
– Nến sao băng (Shooting star)
– Nến ba con quạ đen (Three Black Crows)
– Nến mẹ bồng con giảm (Bearish Harami)
– Nến nhấn chìm giảm (Bearish Engulfing)
– Nến sao hôm (Evening star)
- Mô hình nến tiếp diễn
Mô hình này cho thấy xu hướng hiện tại đang rất mạnh, trong tương lai giá vẫn sẽ tiếp tục đi theo xu hướng hiện tại, không có hiện tượng đảo chiều xảy ra. Nhà đầu tư có thể yên tâm giữ lệnh cho đến khi xuất hiện mô hình nến đảo chiều.
Một số mô hình nến Nhật tiếp diễn thường gặp như:
Rising Three Method
Falling Three Method…
- Mô hình nến trung tính
Những mô hình này không cung cấp cho nhà đầu tư thị trường đang nghiêng về phe mua hay bán mà chỉ thấy dự do dự giữa 2 phe. Không có bên nào nắm giữ thị trường, giá di chuyển lên xuống trong suốt phiên giao dịch nhưng giá đóng cửa và mở cửa lại rất gần nhau.
Kết luận
Như vậy, ISG đã giới thiệu tới bạn đọc tổng quan về biểu đồ nến Nhật và các mô hình nến Nhật phổ biến trong đầu tư chứng khoán. Mong rằng, qua bài viết này các nhà đầu tư sẽ hiểu rõ về nến Nhật hơn và từng bước tiếp cận được thị trường. Đồng thời áp dụng được những kiến thức này vào thực tế và thu về cho mình thật nhiều lợi nhuận.