Càng ngày dầu càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, do phần lớn ngành công nghiệp thế giới đều phụ thuộc vào dầu mỏ. Chính vì thế, giá dầu có thể ảnh hưởng đến hệ sinh thái kinh tế ở mọi cấp độ, từ ngân sách nhỏ lẻ trong mỗi gia đình đến thu nhập của các công ty hay thậm chí GDP của 1 quốc gia nào đó. Mặc dù chiếm vị trí quan trọng là vậy nhưng dầu cũng là một trong những mặt hàng vô cùng nhạy cảm, rất dễ bị ảnh hưởng bởi các sự kiện địa chính trị. Dầu có thể thay đổi nhanh chóng vì tin tức,vì các chính sách và biến động trên thị trường thế giới, khiến các sàn giao dịch toàn cầu đôi khi cũng phải lao đao vì sự tăng giảm đột ngột này. Vậy các yếu tố nào ảnh hưởng tới giá dầu thế giới?
Những nhân tố tác động đến giá dầu
Vai trò của dầu thô trên thế giới
Dầu thô là một trong những nguồn nhiên liệu quan trọng nhất và đã đóng góp hơn một phần ba mức tiêu thụ năng lượng của thế giới trong suốt chiều dài lịch sử. Ngành công nghiệp dầu mỏ toàn cầu là một ngành công nghiệp trị giá hàng nghìn tỷ đô la. Dầu đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu, chẳng hạn như hãng hàng không, công ty sản xuất nhựa hay nông sản. Với tầm quan trọng như vậy, dầu thô đã trở thành mặt hàng xuất nhập khẩu chính của nhiều nước như Nga, Mỹ, v.v. Tầm quan trọng của hàng hóa này tạo ra một thị trường giao dịch tài chính rộng lớn cho dầu và chứng khoán phái sinh như hợp đồng tương lai, kỳ hạn và quyền chọn.
Hiện nay dầu được sản xuất ở nhiều nơi trên thế giới như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Quốc tế (OECD) gồm Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, v.v, và các khu vực nằm ngoài OECD ở Trung Đông, Châu Âu, Châu Á, Châu Mỹ. Sản lượng và tiêu thụ dầu thô theo khu vực tăng qua các năm, tuy nhiên theo Cơ quản quản lý thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA), nguồn cung dầu đã được dự báo là không đủ để đáp ứng nhu cầu về dầu trong quý I năm 2022.
Ngoài ra, với vai trò là tổ chức liên chính phủ thường trực 14 quốc gia xuất khẩu dầu mỏ và nắm giữ khoảng ¾ trữ lượng dầu thế giới, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã đưa ra dự báo về nhu cầu dầu năm 2022. Cụ thể, theo báo cáo thị trường dầu tháng 2/2022, OPEC đã nâng mức dự báo cho nhu cầu về dầu thêm 4,2 triệu thùng/ngày. Về nguồn cung, các nước ngoài OPEC sẽ phải nâng sản lượng thêm 3 triệu, trong khi OPEC chỉ nâng sản lượng của mình ở mức 0,1 triệu thùng/ngày. Điều này thể hiện sự kiên định của OPEC với chính sách giữ nguyên sản lượng. Vì vậy sự gia tăng nguồn cung dầu sẽ phụ thuộc phần lớn vào các quốc gia ngoài OPEC, đặc biệt là Nga và Mỹ – 2 quốc gia có sản lượng sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới. Theo đó, trong khi Mỹ được dự đoán sẽ phải cung cấp thêm 0.85 triệu thùng/ngày, Nga có khả năng sẽ cần bổ sung thêm 0.78 triệu thùng/ngày nhằm đảm bảo nguồn cung thế giới.
Các yếu tố ảnh hưởng đến giá dầu thô
Dầu là đầu vào quan trọng trong quá trình sản xuất. Không có dầu và các chế phẩm từ dầu, máy móc không thể vận hành, phương tiện giao thông không thể hoạt động và cuộc sống hiện đại sẽ bị đình trệ. Giống như các hàng hóa khác, giá dầu bị chi phối bởi quy luật cung – cầu trên thị trường. Ngoài ra, nó còn bị tác động bởi tỷ giá đồng dollar Mỹ.
1. Cung – cầu dầu trên thị trường
- Cầu về dầu
Nếu nhu cầu về dầu tăng cao trong khi nguồn cung hạn chế, giá dầu sẽ bị đẩy lên cao và ngược lại khi cung tăng, cầu giảm. Cầu về dầu thường bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết, thiên tai, dịch bệnh, đầu cơ và nhu cầu mở rộng sản xuất, thương mại quốc tế.
Vào mùa đông, nhu cầu sử dụng khí đốt và xăng dầu để sưởi ấm ở các quốc gia Châu Âu tăng cao, khiến cho giá dầu lúc này tăng vọt. Hay khi đại dịch Covid 19 xảy ra, do lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại của chính phủ nên nhu cầu sử dụng các phương tiện di chuyển như máy bay, ô tô, xe máy giảm đáng kể. Thêm vào đó, hoạt động thương mại quốc tế bị đình trệ khiến cho giá dầu có lúc giảm xuống dưới 0 dollar/thùng.
- Nguồn cung dầu
Mặt khác, bất kỳ một yếu tố nào gây gián đoạn nguồn cung ứng dầu sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến giá dầu. Chúng bao gồm chiến tranh, khủng bố, chính sách kiểm soát khai thác và xuất khẩu dầu của quốc gia hay bất ổn chính trị.
Ví dụ như căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine đã làm gián đoạn quá trình sản xuất dầu từ một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất trên thế giới là Nga. Bên cạnh đó, việc các nước phương Tây và Hoa Kỳ áp lệnh trừng phạt về kinh tế và tài chính đối với Nga đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu dầu của quốc gia này khi Nga bị cấm giao dịch bằng các đồng tiền mạnh trên thế giới và bị cắt nguồn tài trợ về tài chính đối với các ngân hàng và doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước. Việc giá dầu tăng cao trên phạm vi toàn cầu là điều không thể tránh khỏi.
2. Tỷ giá đồng dollar Mỹ
Dầu thô thường được định giá và giao dịch bằng đồng đô la Mỹ trên thị trường quốc tế. Vì thế, tỷ giá đồng dollar sẽ có tác động trực tiếp đến giá dầu. Chúng thường dao động ngược chiều nhau. Khi giá đồng dollar Mỹ giảm, thu nhập thực tế từ bán dầu và các chế phẩm từ dầu được tính bằng dollar Mỹ sẽ giảm và đương nhiên để ổn định nguồn thu nhập của mình, các nước xuất khẩu dầu mỏ sẽ phải tăng giá dầu lên theo một tỷ lệ tương ứng. Khi đồng dollar Mỹ tăng giá thì các quốc gia xuất khẩu dầu sẽ giảm giá dầu xuống nhằm ổn định giá dầu trên thị trường.
Mối quan hệ giữa giá dầu và nền kinh tế
1. Giá dầu với vĩ mô
Biểu đồ trên thể hiện mối quan hệ giữa sự gia tăng giá dầu và các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế. Một cú sốc cầu dầu đồng nghĩa với sự gia tăng cường độ sản xuất do nếu một sản lượng hàng hóa nhất định cần nhiều năng lượng hơn sẽ làm tăng nhu cầu về dầu và khiến giá dầu tăng cao.
Trong khi đó, các cú sốc về nguồn cung dầu có tác động dai dẳng hơn đối với sự tăng trưởng theo xu hướng, và khiến tốc độ tăng trưởng sụt giảm mạnh. Bên cạnh đó, các cú sốc cung dầu cũng dẫn đến phản ứng chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên việc lãi suất thực vẫn âm cho thấy phản ứng này chỉ mang tính mô phỏng, không có gì đáng ngạc nhiên khi tác động đầu ra tương đối lớn hơn. Ngược lại, chính sách tiền tệ sẽ làm tăng lãi suất thực để phản ứng với cú sốc cầu dầu có lợi vì sự gia tăng gia dầu được gây nên bởi sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ.
2. Giá dầu và lạm phát
Nghiên cứu bởi Kliesen (2008) chỉ ra rằng độ co dãn theo giá của dầu đối với dầu là thấp trong ngắn hạn bởi các công ty và người tiêu dùng không thể thay đổi mô hình sản xuất hay tiêu dùng của họ ngay lập tức. Vì vậy, ảnh hưởng của giá dầu tăng đối với GDP có thể là không đáng kể, ít nhất là ở thời gian đầu. Trong trường hợp đó, cú sốc cầu bất lợi đối với các loại hàng hóa sử dụng nhiều năng lượng có thể gây ra việc phân bổ lại nguồn lao động một cách đáng kể. Điều này, nếu tốn kém, có thể tác động lớn đến nền kinh tế nói chung ngay cả khi tỷ trọng dầu mỏ trong AGD thấp.