Danh mục đầu tư (Portfolio) là tập hợp các tài sản đầu tư mà một chủ thể nắm giữ. Quản lý danh mục đầu tư, từ trước tới nay, luôn là một chiến lược không thể thiếu trên thị trường chứng khoán. Và để tạo ra lợi nhuận bền vững thì học cách quản lý một danh mục toàn diện chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ trong việc đầu tư cổ phiếu. Việc xác định và xây dựng một danh mục đầu tư thích hợp là một quá trình thận trọng, đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng. Nhà đầu tư không những cần có kiến thức, tính kỷ luật, sự nhạy bén mà còn phải biết cách xây dựng một danh mục đầu tư hiệu quả nhất. Điều này sẽ làm tăng sự tự tin trong việc đầu tư, giúp bạn kiểm soát tốt hơn nguồn tài chính của mình. Chính vì vậy, các câu hỏi như: Nên nắm bao nhiêu cổ phiếu trong danh mục đầu tư? Nên phân bổ vốn như thế nào? Có nên nắm nhiều ngành không? luôn được giới đầu tư thắc mắc.
Cách Quản lý Danh mục Đầu tư Cổ phiếu Hiệu quả
Lựa chọn cổ phiếu
Bạn nên xây dựng một danh mục đầu tư vượt những thời điểm đặc biệt mà nếu trong các quyết định của bạn xuất hiện sai lầm (đảm bảo cho danh mục đầu tư sẽ hạn chế được rủi ro nếu thị trường biến động vượt ngoài dự đoán).
Mỗi một cổ phiếu có đặc điểm tăng hoặc giảm giá không giống nhau mặc dù nhìn chung phần lớn giá vận động theo xu hướng chung của toàn thị trường. Do đó, việc vận dụng các phương pháp chọn lọc sẽ đưa đến các kết quả khác nhau và đòi hỏi một quá trình đúc kết kinh nghiệm để lựa chọn được các phương pháp hiệu quả nhất và ứng dụng vào thực tế của thị trường.
Để gia tăng được lợi nhuận, bạn nên tìm hiểu cổ phiếu của các công ty đứng đầu của các ngành, hội đủ những tiêu chuẩn cơ bản trọng yếu. Doanh số và lợi nhuận cũng tăng đáng kể trong các kỳ báo cáo quý và năm gần đây. Sau đó giới hạn danh mục theo dõi và tập trung phân tích cẩn thận. Đầu tư đa dạng và có sự tập trung vào những cố phiếu tốt nhất của những ngành kinh tế có sức phát triển mạnh sẽ luôn mang lại lợi nhuận tốt cho nhà đầu tư.
Có 3 cách để xác định các cổ phiếu có sức mạnh tương đối so với thị trường :
- Cổ phiếu có thể tăng với một tỷ lệ dốc hơn (tăng mạnh hơn) so với thị trường tăng (Uptrend)
- Cổ phiếu có thể tăng khi thị trường đi ngang (Sideway)
- Cổ phiếu có thể tăng hoặc đi ngang (Flat) khi thị trường điều chỉnh (Downtrend)
Cách giải ngân tiền
Bạn nên mua theo dạng kim tự tháp thuận: mua tập trung nhiều ở vùng giá thấp và mua ít ở vùng giá cao. Chia tiền thành các lần mua với mỗi cổ phiếu: mua 3 lần theo chiến thuật: 50-30-20% (mua 1 nửa, mua thêm 30% và mua hết phần tiền còn lại). Hoặc bạn cũng có thể để lại 1 phần tiền để mua thêm khi cổ phiếu điều chỉnh và tạo đáy. Nếu bạn đầu tư 1 tỷ đồng vào 5 loại cổ phiếu thì mỗi loại sẽ được đầu tư cố định ban đầu 200 triệu đồng và chỉ nên mua một nửa trong tổng số tiền 200 triệu đồng trong lần mua đầu tiên tức là 100 triệu đồng. Vậy là bạn đã thiết lập được trạng thái phân tán rủi ro ban đầu.
Nên mua bao nhiêu mã cổ phiếu
“Đừng đặt tất cả trứng vào trong cùng 1 giỏ” – nguyên tắc này được áp dụng một cách hoàn hảo để đầu tư vào thị trường chứng khoán. Việc đa dạng hóa giúp nhà đầu tư tránh được rủi ro và hơn nữa là tăng khả năng tìm kiếm lợi nhuận.
Số lượng cổ phiếu là bao nhiêu phù hợp với nhà đầu tư? Con số này tùy thuộc vào quan điểm đầu tư và số vốn hiện có của nhà đầu tư. Số lượng cổ phiếu không nên ít quá, nhà đầu tư cần đa dạng hóa đầu tư để hạn chế rủi ro và cũng không quá nhiều để nhà đầu tư có thể tập trung quan sát, nghiên cứu cổ phiếu, để đưa ra những quyết định giao dịch mua, bán tốt nhất. Tập trung quá nhiều hoặc quá ít cho bất kì danh mục đầu tư nào cũng có nguy cơ gia tăng một số rủi ro khác nhau.
Như vậy, theo thời gian, hãy xây dựng một danh mục đầu tư của bạn có số mã cổ phiếu phù hợp nhất với bạn:
- 3 cổ phiếu: rủi ro cao
- 4 cổ phiếu: cân bằng lợi nhuận, rủi ro
- 5 cổ phiếu: rủi ro thấp
Đương nhiên, ban đầu, bạn có thể mua ít hơn 3 cổ phiếu vì thị trường xấu hoặc mua nhiều hơn 5 cổ phiếu khi thị trường thuận lợi nhưng để đầu tư theo hướng chuyên nghiệp thì sau đó bạn nên dần dần cơ cấu lại danh mục về 3-5 mã tương ứng với nguyện vọng đầu tư của bản thân.
Dù bạn có nhiều tiền nhưng không có lý do gì mà bạn mua vài chục mã cổ phiếu, bạn chỉ nên tập trung vào số vừa đủ cổ phiếu vì bạn không thể nắm bắt đầy đủ thông tin về chúng, hơn nữa nếu xác suất phần lớn cổ phiếu hoạt động kém trong danh mục thì sẽ làm giảm lợi nhuận chung về dài hạn trong rổ đầu tư của bạn.
Bằng cách phân tán rủi ro trên các cổ phiếu khác nhau trong các ngành, bạn sẽ cung cấp cho mình cơ hội giảm thiểu thua lỗ đến mức thấp nhất khi thị trường có biến động xấu.
Cơ cấu danh mục
Sau khi sở hữu cổ phiếu, bạn phải thường xuyên theo dõi chúng một cách thận trọng, tính toán mua thêm cổ phiếu nào phát triển nhất và bán ra những cổ phiếu nào kém hiệu quả nhất trong danh mục đầu tư của mình. Chúng ta chỉ nên tập trung cho những thứ giúp đem lại thành công. Thế nên, điều quan trọng là nhận biết xu hướng của từng cổ phiếu trong danh mục. Bạn nên kết hợp dùng đồ thị theo dõi giá, khối lượng và các chỉ báo kỹ thuật để xác định thời điểm mua, bán được chính xác hơn.
Theo chiều mua: Nếu số lượng cổ phiếu giảm xuống thấp hơn lượng mà bạn phù hợp như trên thì nên mua mới để tái cân bằng danh mục. Chỉ mua gia tăng khi lần trước mua đó đã có lãi, cổ phiếu mới chỉ tăng 5% và đang đi đúng hướng. Đừng cố gắng mua các cổ phiếu đã tăng khá nhiều và chúng có dấu hiệu suy yếu trên đồ thị (áp lực chốt lời gia tăng). Nếu bạn làm vậy sẽ làm cho giá trung bình quá cao và bạn sẽ có thể mất phương hướng trong những đợt điều chỉnh của thị trường hay tệ hơn là rơi vào phân phối đỉnh.
Theo chiều bán: Cách sử dụng tiền hiệu quả có 1 yếu tố rất quan trọng đó là bạn cần phải từ bỏ những vị thế không sinh lời (mãi vẫn hòa vốn, thua lỗ). Trước khi đầu tư nên xác định mức lỗ có thể chấp nhận được. Bán ra cổ phiếu yếu, cổ phiếu không đi đúng hướng, đặc biệt là cổ phiếu lỗ 5% và chưa có dấu hiệu tạo đáy. Hãy giả định điều tồi tệ nhất xảy ra và tự hỏi liệu bạn có thể chấp nhận nó không, nếu câu trả lời là không, hãy giảm tỷ trọng cổ phiếu xuống. Và thêm nữa, bạn nên chốt lời khi có lợi nhuận. Vị thế của bạn có thể lãi, nhưng nó chưa thể coi là tiền của bạn cho đến khi bạn thu nó về tài khoản.
Lưu ý trong quá trình đầu tư
Khi thị trường thuận lợi thì xuất hiện rất nhiều mã cổ phiếu tăng giá và bạn tất nhiên muốn ôm hết chúng vào tài khoản. Nhưng lời khuyên ở đây là bạn nên luôn giữ danh mục ở 3-5 mã, nếu muốn mua thêm 1 mã nào mới thì bắt buộc phải bán 1 mã cũ khác đi. Từ đó luôn duy trì một danh mục hiệu quả với mục tiêu đã đề ra ban đầu. Tuyệt đối không nên phá bỏ nguyên tắc đầu tư.
Muốn hiệu quả, chiến lược phải thay đổi linh hoạt dựa theo kỳ vọng của bản thân và bám sát chu kỳ thị trường. Giá có những chu kì Tích lũy (Accumulation), Tăng giá (Markup), Phân phối (Distribution) và Giảm giá (Markdown). Những nhà giao dịch chuyên nghiệp sẽ tận dụng thời cơ có sẵn trên thị trường để kiếm lời. Khi thất bại, hãy điều chỉnh chiến lược của mình. Thị trường không bao giờ sai, vì vậy, tốt hơn hết là bạn nên ưu tiên tìm kiếm những bất cập trong kế hoạch mà mình đã đề ra.
Trong thị trường chứng khoán bạn không thể đúng trong tất cả các quyết định đầu tư của mình, điều quan trọng hơn hết là tự bạn đã thiết lập cho mình khả năng quản lý danh mục hiệu quả. Biết cách giao dịch hợp lý vào các thời điểm thích hợp, phù hợp với sự biến động không ngừng của thị trường, hoạt động đầu tư của bạn sẽ có được kết quả như mong muốn.