Hầu hết các nhà giao dịch đều quen thuộc với phân tích kỹ thuật và phân tích cơ bản, và thường sử dụng một trong hai phương pháp này để phân tích thị trường ngoại hối. Thế nhưng, có một cách thứ ba để tiếp cận thị trường này được kết hợp từ hai phương pháp trên, đó là Volume Spread Analysis – hay còn gọi là phương pháp VSA. Vậy phương pháp VSA là gì? Những mô hình cơ bản và nguyên lý hoạt động của phương pháp VSA là gì ? Hãy cùng ISG tìm hiểu chi tiết trong bài viết sau đây.
Những điều cần biết về VSA
VSA (Volume Spread Analysis) là gì?
VSA (Volume Spread Analysis) là phương pháp dựa trên mối quan hệ cung cầu cổ phiếu để phân tích biến động và dự đoán xu hướng của thị trường. Công cụ của phương pháp VSA chủ yếu bao gồm đồ thị giá và khối lượng giao dịch (volume).
Lý thuyết phương pháp VSA cho rằng nguyên nhân dẫn đến sự mất cân bằng giữa cung và cầu trên thị trường là do ảnh hưởng từ động thái của các nhà giao dịch chuyên nghiệp cũng như các “ông lớn” trên thị trường.
Động thái này được thể hiện rõ nét trên biểu đồ và phương pháp phân tích VSA có thể xác định mối quan hệ cung – cầu thông qua những động thái đó dựa vào 3 biến số trên biểu đồ sau:
- Volume: Khối lượng của một phiên giao dịch.
- Spread: Mức chênh lệch giá hoặc phạm vi của phiên giao dịch.
- Close: Giá đóng cửa của phiên giao dịch.
Lịch sử ra đời của phương pháp VSA
Phương pháp VSA được ra đời dựa trên nền tảng lý thuyết của phương pháp Wyckoff. Trong những năm 1960 – 1970, Tom Williams đã dựa trên phương pháp của Wyckoff để tiếp tục phát triển và tối ưu hơn nữa. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của sự chênh lệch giá (giữa giá đóng cửa và mở cửa), kết hợp với khối lượng giao dịch để phát triển phương pháp theo quan điểm của riêng mình.
Năm 1993, Tom Williams phát hành tác phẩm của mình ra công chúng có tên gọi là Master of Market. Song song cũng phát triển một chương trình giao dịch máy tính với phương pháp Wyckoff Volume Spread Analysis như ngày nay.
Trong nghiên cứu ông cho rằng: “Thị trường không vận động một cách ngẫu nhiên như nhiều nhà giao dịch vẫn nghĩ, họ không thực sự hiểu bản chất vận động của thị trường nên giao dịch theo tâm lý đám đông”. Và “Nếu bạn hiểu được mối quan hệ cung cầu từ đồ thị giá, bạn sẽ có lợi thế hơn so với đám đông không am hiểu về thị trường, và bạn có thể giao dịch một cách hài hòa cùng với dòng tiền thông minh”.
Các thành phần và mối tương quan của chúng trong phương pháp VSA
Để xác định mối tương quan giữa cung và cầu và đưa ra được nhận định về xu hướng ngắn hạn có thể xảy ra, VSA kiểm tra sự tương tác giữa 3 yếu tố sau:
- Khối lượng giao dịch (volume);
- Chênh lệch giá (spread);
- Giá đóng cửa (the close).
Khối lượng giao dịch (Volume)
Trong giao dịch, khối lượng luôn đi song song với các biến động của giá. Bởi vì giá biến động khi có sự giao dịch diễn ra, đồng nghĩa với khối lượng giao dịch tăng lên. Từ đó, việc kết hợp phân tích khối lượng cùng diễn biến của giá giúp chúng ta xác định trạng thái của thị trường cũng như sức mạnh của phe mua và phe bán.
Trên thực tế, khối lượng không diễn biến một cách ngẫu nhiên trong thị trường mà hoạt động theo chu kỳ. Các bạn hãy tưởng tượng mô hình khối lượng sẽ giống như hình ảnh của các ngọn núi nối tiếp nhau, chúng trải qua một vòng tuần hoàn: tăng lên – đạt đỉnh – giảm xuống.
Chu kỳ của khối lượng được chia thành bốn loại như sau:
- Khối lượng trung bình;
- Khối lượng dưới mức trung bình;
- Khối lượng lớn;
- Khối lượng cực lớn.
Cách dễ nhất để xác định khối lượng trung bình là các bạn sẽ dùng một đường trung bình động (MA) 20 của chỉ báo khối lượng, hoặc có thể ước chứng điểm giữa của “mô hình ngọn núi”. Từ khối lượng trung bình, ta sẽ phân biệt các loại khối lượng trên:
- Khối lượng trên trung bình là các phiên có khối lượng lớn hơn mức trung bình, nhưng thấp hơn các “đỉnh núi” cao nhất.
- Ngược lại, khối lượng dưới trung bình là toàn bộ các thanh khối lượng dưới mức trung bình.
- Khối lượng cao: là thanh khối lượng ở “đỉnh núi”, có chiều cao ngang bằng với các đỉnh xung quanh.
- Khối lượng rất cao: là một đỉnh núi cao vọt hẳn lên so với các đỉnh núi xung quanh nó.
Có 2 mức khối lượng mà trader cần quan tâm khi sử dụng phương pháp VSA, đó là:
- Khối lượng trên mức trung bình: Là mức khối lượng cao hơn so với khối lượng trung bình (mức trung bình thường là đường MA20 của Volume) nhưng vẫn thấp hơn đỉnh trước đó.
- Khối lượng giao dịch cực cao: Là đỉnh cao nhất trong khoảng thời gian đang xem xét, cao hơn so với đỉnh được lập trước đó.
Lưu ý: Màu sắc xanh hay đỏ chỉ biểu hiện cho việc phiên đó giá tăng hay giá giảm, còn khối lượng tăng hay giảm phải dựa vào chiều dài của thanh khối lượng để nhận biết, không dựa vào màu sắc để phán đoán.
Chênh lệch giá (Spread)
Spread ở đây là thông số về phạm vi giữa mức giá cao nhất và mức giá thấp nhất của một cây nến.
Lưu ý: Spread ở đây không phải chênh lệch giữa giá Bid và giá Ask chúng ta vẫn thường dùng.
Giá đóng cửa (Close)
Giá đóng cửa là mức giá cuối cùng của cây nến vào thời điểm đóng cửa một phiên giao dịch trong ngày. Giá đóng cửa có thể ở bất kỳ vị trí nào so với cây nến và nó là tín hiệu quan trọng để phân tích thị trường.
Mối tương quan giữa 3 thành phần của VSA
Dưới đây là một vài ví dụ về mối tương quan giữa ba yếu tố trong phương pháp VSA: volume (khối lượng), spread (chênh lệch giá) và close (giá đóng cửa):
Các giai đoạn trong thị trường theo VSA
Trong lý thuyết về phương pháp của mình, Wyckoff đã đề cập đến việc thị trường tuần hoàn trong một chu kỳ gồm 4 giai đoạn: Tích lũy, Tăng trưởng, Phân phối và Suy thoái.
Và trọng tâm của phương pháp VSA là chúng ta phân tích thị trường ở các chu kỳ tích lũy và phân phối. Hai chu kỳ này lại được chia làm 4 giai đoạn nhỏ, bên dưới là 4 giai đoạn của chu kỳ tích lũy (trước khi bước vào xu hướng tăng), ở chu kỳ phân phối (trước khi vào xu hướng giảm) thì 4 giai đoạn này diễn ra tương tự nhưng theo chiều ngược lại:
- Giai đoạn A: Kết thúc xu hướng giảm trước đó.
- Giai đoạn B: Xây dựng các nguyên nhân (tích lũy).
- Giai đoạn C: Kiểm tra và xác nhận (kiểm tra nguồn cung sau khi tích lũy).
- Giai đoạn D: Xu hướng tăng xuất hiện, giá phá ra khỏi phạm vi tích lũy.
Kết luận
Những gì mà chúng tôi trình bày ở trên là những khái niệm cơ bản nhất về phương pháp VSA mà bạn cần nắm rõ khi tìm hiểu. Đó sẽ là những phần nội dung thiết thực nhất để các bạn bước đầu tiếp cận phương pháp phân tích đặc biệt này. Để có thể áp dụng trong thực chiến đầu tư, hãy tham khảo bài viết chuyên sâu hơn về VSA sau khi đã nắm vững những kiến thức cơ bản ở trên tại đây