Vùng hỗ trợ và kháng cự là một trong những kiến thức cơ bản nhất cần biết mà bất cứ các nhà đầu tư cũng cần nên biết khi bắt đầu tham gia vào thị trường giao dịch chứng khoán. Đây cũng là hai vùng xác định giá rất quan trọng trong giao dịch chứng khoán, hãy cùng tìm hiểu về khái niệm, ý nghĩa và cách xác định vùng của hai thuật ngữ này.
1. Hỗ trợ và kháng cự là gì?
Hỗ trợ và kháng cự là các vùng giá của cổ phiếu mà ở đó xu hướng được nhà đầu tư chứng khoán kỳ vọng sẽ đảo chiều hoặc di chuyển chậm lại trước khi tiếp tục xu hướng, và hành vi đó có khả năng lặp lại trong tương lai.
1.1. Hỗ trợ là gì?
Hỗ trợ là vùng giá của cổ phiếu mà ở đó xu hướng giảm được kỳ vọng sẽ đảo chiều tăng hoặc di chuyển chậm lại. Tại vùng giá này, lực mua cổ phiếu sẽ chiếm ưu thế so với lực bán của cổ phiếu.
Khi giá được điều chỉnh giảm và đang có xu hướng tăng lên, vùng giá thấp nhất trước khi tiếp tục xu hướng tăng được gọi là vùng hỗ trợ. Các nhà đầu tư cần dựa vào phân tích chỉ số để xác định được vùng hỗ trợ, từ đó ra quyết định nên mua vào cổ phiếu.
1.2. Kháng cự là gì?
Ngược lại với hỗ trợ, kháng cự là vùng giá mà ở đó đang có xu hướng tăng được dự đoán sẽ đảo chiều giảm. Đây cũng là vùng giá mà các nhà đầu tư có kỳ vọng giá sẽ giảm thấp hơn trong giao dịch chứng khoán.
Tại vùng kháng cự, các nhà đầu tư có áp lực bán hơn là áp lực mua. Khi giá đang lên nhưng được dự báo là có xu hướng giảm, vùng giá cao nhất trước khi tiếp tục xu hướng tăng được xác định là vùng kháng cự.
Ví dụ về hỗ trợ và kháng cự trong xu hướng tăng của cổ phiếu
– Khi giá đi lên và giảm, vùng giá cao nhất trước khi tiếp tục xu hướng tăng được gọi là vùng kháng cự
– Khi giá điều chỉnh giảm và bật tăng, vùng giá thấp nhất trước khi tiếp tục xu hướng tăng gọi là vùng hỗ trợ
Ngược lại, trong xu hướng giảm, các vùng hỗ trợ và kháng cự cũng được thiết lập khi giá dao động theo thời gian.
2. Cách xác định vùng hỗ trợ và kháng cự hiệu quả nhất trong trading
Kháng cự và hỗ trợ là một vùng
Hình minh họa vùng hỗ trợ và kháng cự
Kháng cự và hỗ trợ là một vùng giá chứ không phải là một mức giá cụ thể. Vì lầm tưởng điều này, dẫn đến nhiều nhà đầu tư xác định sai ngưỡng hỗ trợ và kháng cự, từ đó có những quyết định giao dịch mang tính sai lầm.
Để có thể xác định được vùng hỗ trợ và kháng cự, các nhà đầu tư hãy lấy vùng giá của bóng nến làm vùng hỗ trợ kháng cự chung. Nếu vùng đỉnh đáy có nhiều nến, nên lấy khoảng giá giữa giá cao nhất hoặc thấp nhất hay giá đóng hoặc mở cửa giao dịch gần nhất.
Nói cách khác, tại vùng đỉnh, vùng hỗ trợ chính là khoảng cách giữa giá cao nhất đến giá đóng hoặc mở cửa. Nếu ở vùng hỗ trợ này càng nhiều đường nến, thì đó là vùng kháng cự mạnh, giá sẽ khó bứt phá khỏi vùng này.
Ngược lại, tại vùng đáy, vùng kháng cự là khoảng cách chênh lệch giữa giá thấp nhất đến giá đóng hoặc mở cửa. Nếu ở vùng khoảng cách này càng nhiều đường nến, thì đó là vùng hỗ trợ mạnh, giá sẽ khó giảm qua vùng này.
Sử dụng đường xu hướng (trendline)
Vùng hỗ trợ/kháng cự là khái niệm cơ bản nhất của phân tích kỹ thuật, giúp xác định nhà đầu tư chứng khoán vùng giá mua vào hoặc bán ra. Tuy nhiên, giá của cổ phiếu thường biến đổi theo xu hướng đi lên hoặc đi xuống, nên việc sử dụng đường xu hướng để xác định hỗ trợ và kháng cự là cách mà bạn nên dùng.
Như hình bên dưới, trong một xu hướng giảm của cổ phiếu, việc nối 2 đỉnh của giá trong một khoảng thời gian sẽ tạo ra đường xu hướng hay kháng cự mà ở đó áp lực bán sẽ gia tăng khi giá đi gần đến đường xu hướng.
Hình minh họa xu hướng giảm
Và ngược lại trong một xu hướng tăng, việc nối các mức giá thấp nhất của giá sẽ tạo ra đường xu hướng tăng hay đường hỗ trợ. Khi giá giảm về đường hỗ trợ, áp lực mua sẽ gia tăng từ đó giá sẽ có xu hướng đảo chiều tăng trở lại.
Hình minh họa xu hướng tăng
Sử dụng đường trung bình giá (MA)
Chúng ta có thể sử dụng đường trung bình giá (Moving average) để làm đường hỗ trợ và kháng cự trong ngắn hạn, đường trung bình giá sẽ làm phẳng đi các tín hiệu nhiễu của giá trong ngắn hạn từ đó tạo nên các kháng cự khi giá nằm dưới đường trung bình và đường hỗ trợ khi giá nằm trên đường trung bình.
Hình minh họa đường trung bình giá
Như hình trên, khi giá tăng vượt đường trung bình giá 20 ngày, đường trung bình giá sẽ là đường hỗ trợ mà ở đó khi giá giảm dần về đường trung bình do áp lực chốt lời thì lực mua sẽ gia tăng, từ đó giá sẽ trở lại xu hướng tăng.
Ngược lại khi giá nằm dưới đường trung bình giá 20 ngày, đường trung bình giá sẽ là đường kháng cự, khi giá dần tiến về đường trung bình giá thì áp lực bán sẽ gia tăng từ đó giá sẽ quay trở lại xu hướng giảm.
Các cách xác định khác trong phân tích kỹ thuật của chứng khoán
Nhà đầu tư có thể sử dụng dãy số “tỷ lệ vàng” Fibonacci để xác định ngưỡng hỗ trợ và kháng cự, ở các vùng điểm số theo tỷ lệ có thể xem đó là ngưỡng hỗ trợ khi giá vượt qua khỏi vùng đó và ngược lại trở thành kháng cự khi giá nằm dưới tỷ lệ đó.
Hình minh họa các xác định hỗ trợ kháng cự bằng Fibonacci
Việc xác định được ngưỡng hỗ trợ có thể giúp nhà đầu tư tối ưu hóa được lợi nhuận của mình khi giao dịch ngắn hạn, vì nó có thể giúp nhà đầu tư thấy được vùng giá thấp nhất mà ở đó giá có thể đảo chiều tăng trở lại. Nhưng ngược lại, những ngưỡng kháng cự cũng có thể gây hại đến các vị thế dài hạn của nhà đầu tư vì ở đó được xác định là vùng giá cao nhất trong ngắn hạn. Nhà đầu tư nên kết hợp việc xác định vùng hỗ trợ và kháng cự với các phương pháp khác như xác định xu hướng chung của ngành mà mình đang nắm giữ, định giá cổ phiếu,… để có kết quả tốt nhất.
Hy vọng với một số thông tin trên sẽ giúp các nhà đầu tư có thể vận dụng đúng và thu lại lợi nhuận từ việc áp dụng kiến thức từ vùng hỗ trợ và kháng cự vào thị trường giao dịch chứng khoán. Chúc các nhà đầu tư thành công!